Còn nhiều tồn tại
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tổng CTCP Sông Hồng. Theo đó, cơ quan thanh tra cho biết, Tổng công ty Sông Hồng đã tích cực xử lý một số sai phạm đã chỉ ra trước đó, đặc biệt là không trích lập các khoản đầu tư tài chính, phải thu khó đòi.
Mặc dù đã tích cực khắc phục, song Tổng công ty Sông Hồng vẫn còn không ít tồn tại. Về việc đầu tư vào công ty Tài chính Phong Phú làm mất vốn Nhà nước số tiền 4 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng đã thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi khoản đầu tư năm 2006. Tuy nhiên, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, công ty kiểm toán VACO đã hoàn nhập dự phòng khoản phải thu khó đòi vào vốn chủ sở hữu.
Tổng công ty Sông Hồng.
Đến thời điểm 30/4/2010, Tổng công ty đã lập dự phòng phải thu khó đòi toàn bộ số tiền 3,9 tỷ đồng. Cho đến nay, Tổng CTCP Sông Hồng vẫn chưa thu hồi được số tiền nêu trên.
Việc tổ chức kiểm điểm đối với các cá nhân có liên quan trong việc đầu tư vào công ty Tài chính Phong Phú làm mất vốn Nhà nước chưa thực hiện được do các cá nhân này đã nghỉ hưu, chuyển công tác, có người đã mất. Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân này.
Đối với đề xuất hướng xử lý dứt điểm việc tự ý chuyển nhượng 12 căn hộ tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, theo kết luận thanh tra, năm 2003, công ty Xây lắp Vật liệu xây dựng An Dương (đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Sông Hồng) xây dựng 12 căn hộ bán cho cán bộ nhân viên mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho phép xây dựng để bán nhưng Tổng công ty cổ phần Sông Hồng vẫn phê duyệt quyết toán 12 căn hộ.
Hiện nay, Tổng công ty vẫn đang chỉ đạo đôn đốc, yêu cầu công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương làm việc cụ thể với các hộ gia đình, tiếp tục có văn bản, làm việc với cơ quan chức năng để báo cáo, đề xuất xem xét giải quyết.
Thua lỗ nghiêm trọng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2017 mới công bố, doanh thu trong nửa đầu năm 2017 của Tổng công ty Sông Hồng giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước, từ 289 tỷ đồng về 100,7 tỷ đồng. Lỗ sau thuế ở mức 33,8 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế đến cuối kỳ lên 476,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 156,8 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn là 1.291 tỷ đồng, vượt xa tài sản ngắn hạn (1.012 tỷ đồng), đe doạ khả năng hoạt động liên tục của thành viên bộ Xây dựng. Tình hình tại Tổng công ty Sông Hồng bi đát đến mức bộ Tài chính vào giữa năm ngoái đã phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.
Chủ đầu tư Sông Hồng Park View làm ăn bết bát nhiều năm.
Tổng công ty Sông Hồng từng là thương hiệu xây lắp có uy tín, với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP.Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)...
Những tưởng dòng vốn tư nhân sẽ giúp Sông Hồng trở nên năng động, vững vàng hơn trước sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp xây lắp tư nhân, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Kể từ khi được cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng “ngập” trong thua lỗ.
Ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi vài trăm triệu đồng, Sông Hồng đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại, trong đó đáng chú ý hai năm 2015-2016 lỗ sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng và 187 tỷ đồng, cuốn bay vốn điều lệ của doanh nghiệp (270 tỷ đồng).
Giải trình cho kết quả trên, Tổng công ty Sông Hồng cho biết doanh nghiệp này tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, do công nợ kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính chung. Nhiều khoản vay bị xếp vào nợ xấu nhóm 5 dẫn đến không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, việc phát hành các loại bảo lãnh để thực hiện công trình cũng rất khó khăn.
Do vậy, các dự án mà Tổng công ty cũng như đơn vị thành viên nhận thầu thi công đa số đều chậm tiến độ, uy tín của Sông Hồng giảm sút nặng nề.
Trả lời báo giới, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Hồng, ông Trần Huyền Linh nhấn mạnh thêm rằng trong những năm vừa qua, đơn vị đã thực hiện thi công một số công trình từ nguồn vốn Nhà nước. Một số công trình bị chủ đầu tư chậm thanh toán, phát sinh khối lượng không lường trước trong quá trình thi công chưa được giải quyết kịp thời.
Tổng công ty đã phải vay vốn ngân hàng và chịu chi phí lãi vay lớn như công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (giá trị phát sinh tăng thêm khoảng gần 300 tỷ đồng chưa được thanh toán)... dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ và ảnh hưởng đến tình hình tài chính.
Kịch bản giảm vốn Nhà nước
Nhằm bù đắp phần vốn giảm xuống sau khi chuyển trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc bộ Xây dựng, Tổng công ty Sông Hồng vào đầu năm 2018 đã phát hành riêng lẻ thành công 6,52 triệu cổ phần cho hai lãnh đạo doanh nghiệp.
Cụ thể, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT ông Lã Tuấn Hưng mua 2,5 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ từ 0,26% lên 9,56% và thành viên HĐQT Phan Việt Anh mua 4,02 triệu cổ phần SHG để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,07% lên 14,93%. Cả ông Hưng lẫn ông Việt Anh đều là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng.
Với vốn cổ phần vẫn giữ nguyên ở 270 tỷ đồng, vốn Nhà nước thông qua bộ Xây dựng nắm giữ theo đó giảm từ 73,2% về dưới mức chi phối 49% sau đợt phát hành cổ phần cho các lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng. Đây được coi là cách thức quen thuộc để giảm quyền kiểm soát của Nhà nước tại các Tổng công ty.
Theo lộ trình thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, bộ Xây dựng sẽ sớm thoái hết vốn tại Tổng công ty Sông Hồng trong thời gian tới. Được biết, Tổng công ty Sông Hồng sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ thêm 18 triệu cổ phần để nâng vốn điều lệ lên 450 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước bởi vậy sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới.
Post a Comment