Táo Quân đã lên sóng từ tối 30 Tết, nhưng tại sao đến giờ viện iSEE và trung tâm ICS mới lên tiếng về sự việc?
Chúng tôi đã xem chương trình từ thời điểm phát sóng và đã nhận được rất nhiều những chia sẻ từ các thành viên trong cộng đồng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, thời điểm đó, mọi người đang nghỉ Tết nên không thích hợp để gửi phản hồi. Vì vậy, chúng tôi mới chọn ngày đi làm trở lại để gửi thư ngỏ.
Phản ứng của cộng đồng sau khi bức thư ngỏ nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận?
Thật ra, như bạn thấy, một phần của phản ứng này đến từ cộng đồng, mọi người có vẻ bức xúc nhưng chưa lên tiếng được. Vì vậy mà, thư ngỏ của iSEE và ICS như là cơ hội để các bạn ấy bày tỏ.
Tôi thấy vẫn còn rất nhiều những ý kiến, quan điểm trái chiều. Dù vậy, tôi hiểu, những người văn minh, sống tử tế đều sẽ hiểu chúng tôi nói gì. Tôi biết cộng đồng LGBT đôi lúc là nạn nhân của rất nhiều sự trêu đùa. Những người này thường hay nói “đó chỉ là đùa, chẳng có gì cả” hay “do các bạn nhạy cảm quá thôi”, nhưng điều này cần được xem lại.
Hiện tại, các bạn trong cộng đồng LGBT rất vui khi ngày càng có nhiều người hiểu được rằng, hài hước không có nghĩa là đem những đặc điểm của người khác ra để chọc cười, bỡn cợt.
Ông Huỳnh Minh Thảo - Giám đốc Truyền thông trung tâm ICS.
Viện iSEE và trung tâm ICS đã có công văn chính thức gửi Đài truyền hình Việt Nam chưa?
Chúng tôi đã gửi thư ngỏ này đến Đài truyền hình Việt Nam qua email chính thức của Đài. Trước những phản ứng của dư luận cũng như báo chí trong những ngày qua, hy vọng VTV đã nhận được tín hiệu.
Đây là lần đầu tiên, cộng đồng LGBT phản ứng mạnh mẽ đến vậy. Thông điệp từ hành động này là gì?
Khi viện iSEE và trung tâm ICS họp lại để lên phương án phản hồi cho việc này, chúng tôi có 2 mục tiêu, ngoài việc gửi phản hồi đến VTV còn là chia sẻ thông điệp đến xã hội.
Là một đối tác của VTV trong rất nhiều những hoạt động, chương trình, chúng tôi tin là đôi bên cùng muốn mang lại những lợi ích tốt đẹp cho xã hội. Việc lên tiếng này của iSEE và ICS đều thực hiện với mục đích như vậy. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự phản hồi của VTV về những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu nhìn xa hơn, chúng ta sẽ dần thấy những dạng gây cười bằng hình thức miệt thị về hình thể, xu hướng tính dục, bản dạng giới, sắc tộc, đặc điểm cá nhân... đang ngày một giảm đi ở hầu hết các nền văn hóa tiến bộ khác trên thế giới. Thay vào đó, tiếng cười sẽ được đầu tư để xoáy sâu vào những thói hư, tật xấu, những điều chưa tốt của xã hội.
Không chỉ giới tính và tính dục mà chuyện béo, gầy, xấu, đẹp, khuyết tật,... đều không nên đem ra làm trò cười cho bất kỳ ai. Có thể, chúng ta từng vô tình bật cười vì những lời trêu đùa như vậy, nhưng nếu bạn hiểu, đằng sau tiếng cười đó sẽ là những ám ảnh, sự tổn thương của rất nhiều người khác, tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ phải suy nghĩ lại.
Một xã hội nhân văn thì cách "hài hước" cũng nên được điều chỉnh để ngày càng nhân văn hơn, không đẩy ai lại phía sau.
Cảm ơn ông!
Post a Comment