Kiểm toán “vạch” bất cập

Ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ Công Thương làm rõ phản ánh việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hai Bộ làm rõ việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.

Trước đó, báo chí dẫn kết luận Kiểm toán Nhà nước cho hay: “Trong năm 2015 và 5 kỳ điều hành năm 2016, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn đến giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng".

Năm 2016, từ kỳ điều hành 21/3, giá cơ sở được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Tại 10 thương nhân đầu mối, trong năm 2016 vẫn chênh lệch hơn 1.400 tỷ đồng. Việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng dầu trở thành vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất năm vừa qua.

Tài chính - Ngân hàng - Nhập nhèm thuế xăng, Petrolimex lãi đậm thế nào?

Kiểm toán Nhà nước cho rằng Petrolimex hưởng lợi gần 3.000 tỷ đồng nhờ cách tính thuế "sáng tạo" của bộ Tài chính. 

Đây là một giải pháp tình thế do bộ Tài chính “sáng tạo” ra trong bối cảnh tồn tại song song 2 sắc thuế nhập khẩu khác nhau, chênh lệch gấp đôi giữa thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN (ATIGA, 10%) và thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác (MFN, 20%).

Việc áp dụng thuế bình quân gia quyền cũng được Kiểm toán Nhà nước cho là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định. Để việc xây dựng giá cơ sở được bình đẳng, hợp lý thì việc quy định tỷ lệ thuế nhập khẩu về một mức phù hợp là rất cần thiết, để khắc phục tồn tại trong xác định giá cơ sở và góp phần vào việc chống trốn lậu thuế.

Qua kiểm toán sổ sách thực tế cho thấy, doanh nghiệp đầu mối được hưởng thuế ATIGA sẽ được lợi từ 5 - 25% đối với dầu DO năm 2015; 0,6 - 10% đối với dầu DO năm 2016, cao hơn 5,74 - 10% đối với xăng. Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành khiến DN tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng, trong đó, thặng dư cao nhất tại tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gần 3.000 tỉ đồng.

Liên tục báo lãi kỷ lục

Trong 3 năm qua (từ 2015 đến nay), khi hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải “đau đầu” xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ triền miên hay tái cấu trúc toàn bộ thì Petrolimex nổi lên như một điểm sáng với những thành tích “chưa từng thấy” về lợi nhuận.

Cụ thể, năm 2015, doanh thu hợp nhất của Petrolimex đạt 147.000 tỷ đồng, lãi 3.747 tỷ đồng. Năm 2016 với 23 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của liên bộ Tài chính – Công Thương, doanh thu của tập đoàn chỉ 123.000 tỷ đồng nhưng lãi đậm 6.300 tỷ đồng trước thuế – cao nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập.

Lý giải về cú bứt phá kể trên, nhiều chuyên gia cho rằng Petrolimex hội tụ được hai yếu tố vàng. Đó là giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm khiến giá vốn hàng bán giảm với tốc độ cao hơn doanh thu, khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh. Và nhờ Nghị định 83/NĐ-CP về việc kinh doanh xăng dầu, chi phí theo quy định đối với các mặt hàng xăng, dầu được tăng từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít hoặc 950 đồng/lít.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển từ sử dụng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) sang thuế bình quân gia quyền – “sáng tạo” của bộ Tài chính cũng góp phần không nhỏ vào thành công trên.

Sang đến năm 2017, báo cáo tài chính mới nhất của Petrolimex cho thấy, tổng doanh thu thuần hợp nhất của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: Xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm... đạt hơn 155.000 tỷ đồng, tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) tăng. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế cũng đạt 4.877 tỷ đồng, riêng mảng xăng dầu lãi trước thuế gần 2.500 tỷ đồng.

Petrolimex nói gì?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin về “cáo buộc” của Kiểm toán Nhà nước cho rằng tập đoàn được hưởng chênh lệch gần 3.000 tỷ đồng, ông Lưu Văn Tuyển – Kế toán trưởng tập đoàn Petrolimex khẳng định: “Các doanh nghiệp xăng dầu không sai. Phần chênh lệch do thuế đó Petrolimex đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (trên phần lợi nhuận mỗi năm – PV) và phân phối khi chia cổ tức cho Nhà nước”.

Phương pháp tính thuế theo phương án bình quân gia quyền của bộ Tài chính là hợp lý, tuy nhiên về lâu dài thì không ổn - Kế toán trưởng Petrolimex Lưu Văn Tuyển cho biết.

Vị đại diện Petrolimex cho biết, tập đoàn đã nhận được báo cáo của KTNN tuy nhiên “họ (KTNN-PV) tính theo kiểu thống kê, doanh nghiệp không xác định được phần vì phần chênh đó phải nhường cho khách đại lý, tổng đại lý, giảm giá cho khách sản xuất điện”.

Khi được hỏi quan điểm về cách tính thuế nhập khẩu ưu đãi theo phương pháp bình quân gia quyền như bộ Tài chính xác định, ông Tuyển cho rằng đó là phương pháp hợp lý. “Bình quân gia quyền là cách tính quá độ, xác định theo MFN chưa hợp lý thì phải tính bình quân cho doanh nghiệp xăng dầu, cả ưu đãi và không ưu đãi”. Tuy vậy, vị này cũng cho rằng phương pháp trên về lâu dài là “không ổn”.

Vấn đề trên là nguồn cơn của tranh cãi suốt năm 2017 với nhiều lần Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị đưa thuế nhập khẩu về một mức để thuận tiện hơn trong tính toán và sát với giá thực hơn. Việc hụt thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng tăng thu trong nước. Tuy nhiên, bộ Tài chính không chấp nhận đề nghị này, dù áp dụng thuế bình quân gia quyền làm khó chính họ (trong kỳ điều hành quý 4/2017, bộ Tài chính đã không tính nổi thuế bình quân gia quyền để áp dụng cho tháng 10, mà phải đợi đến tháng 11 mới công bố được thuế).

Đây cũng không phải lần đầu tiên cách tính “nhập nhèm” trên của bộ Tài chính được báo chí phản ánh. Hồi đầu năm 2016, Bộ cũng đã cho biết, việc chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định là tất yếu. Song, doanh nghiệp xăng dầu chưa chắc được hưởng lợi từ chênh lệch thuế trong cách tính giá cơ sở với thuế nhập khẩu ưu đãi.

“Việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước”, thông báo của bộ Tài chính cho hay.

Dân “móc hầu bao” tiền lẻ, Ngân sách tăng thu 15.000 tỷ

Tài chính - Ngân hàng - Nhập nhèm thuế xăng, Petrolimex lãi đậm thế nào? (Hình 2).

Ảnh minh hoạ.

Mới đây, bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể, đối với mặt hàng xăng, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng, thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2018.

Theo quy định hiện hành, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng có khung từ 1.000 đồng/lít - 4.000 đồng/lít và mức thu hiện hành là 3.000 đồng/lít. Như vậy theo đề xuất, thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít và ở mức kịch trần. Đối với mặt hàng dầu diesel, bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường thêm 500 đồng/lít; thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng thêm 1.000 đồng mỗi lít so với hiện hành. Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng hơn 15.000 tỷ đồng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top