Những tọa độ “khủng”
Theo báo cáo mới nhất của CBRE (tập đoàn Tư vấn và Quản lý BĐS), đất nền tại khu Nam TP.HCM đã tăng chóng mặt. Tháng 12/2017, giá đất nền và nhà phố tại khu vực này tăng bình quân tới 312% so với cùng thời điểm năm 2014. Thực tế cho thấy, đất nền tại khu vực này vào thời điểm hiện tại đang ở mức đỉnh điểm.
Theo định giá của một công ty tư vấn BĐS tại TP.HCM, đất có giá cao ở khu vực phía Nam TP nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng. Đơn vị này định giá đất đường Nguyễn Lương Bằng (phường Tân Phú, quận 7) với giá gần 104 triệu đồng/m² (vào ngày 6/1/2018) và dự kiến sẽ tăng sau 3 tháng tới.
Các điểm lân cận như đường Trần Văn Trà cũng có giá trên 101 triệu đồng/m², đường B có giá trên 94 triệu đồng hay đường số 16 có giá trên 75 triệu đồng/m². Trong vai người cần mua lô đất tại đường Nguyễn Lương Bằng (có diện tích 60m²), PV tiếp xúc người tên Khải. Người này đang rao diện tích đất trên với giá 6,7 tỷ đồng.
“Đất nền ở đây đang sốt hơn bao giờ hết, nếu anh không nhanh tay không biết ngày mai có còn không. Giá đó cũng mềm so với một số nơi khác rồi”, Khải mồi chài.
Đất đường Nguyễn Lương Bằng (phường Tân Phú, quận 7) với giá gần 104 triệu đồng/m². |
Đồng thời, theo khảo sát tháng 12/2017 của Savills Việt Nam – một công ty tư vấn bất động sản khác, đất khu Nam cũng tăng chóng mặt thời gian qua. Điển hình như đường Huỳnh Tấn Phát tăng tới 197%, đường Nguyễn Hữu Thọ tăng 212%, đường Nguyễn Văn Linh đến 298%. Nhưng đó vẫn chưa “xi nhê” gì so với đường Đào Trí, nơi đang có khá nhiều dự án BĐS đổ về, tăng đến 302%. Ngoài ra, đường Phạm Hữu Lầu tăng 402% hay cao đường Nguyễn Lương Bằng tới xấp xỉ 400%.
Cơn sốt đất còn lan nhanh và mạnh tới các quận, huyện vùng ven như quận 8, huyện Nhà Bè... Điển hình khu vực quận 8, huyện Nhà Bè có mức tăng 108% đến xấp xỉ 200%. Tại huyện Nhà Bè, ở các xã Phước Lộc, Phú Xuân, Phước Kiển... giá đất cũng tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng nửa năm 2017, giá đất đã tăng từ 30% - 50%. Hiện nay, một nền diện tích từ 70m2 - 90m2 có giá dao động từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng khiến nhiều người “phát sốt”.
Tình trạng sốt đất nền cũng chẳng khác là bao ở khu Đông, nơi cũng có mức tăng giá chóng mặt. Theo khảo sát của công ty tư vấn BĐS DKRA, đất nền tại khu Đông tăng từ 130% đến 170%. Điển hình như tại quận 9 tăng 130%, quận Thủ Đức tăng tới 170%. Thực tế khảo sát tại quận 9, đường Nguyễn Xiển được xem là một trong những điểm nóng về đất nền ở khu vực này. Nếu như trước đây, giá đất tại khu vực chỉ khoảng 20 – 30 triệu đồng/m² thì nay đang có giá từ 50 – 60 triệu đồng/m².
Sốt thật hay ảo?
Bên cạnh đó, khu vực phía Bắc với điểm nóng là quận 12, thậm chí lan sang cả huyện Hóc Môn, Củ Chi rồi khu vực phía Tây với tâm điểm là quận Bình Tân, 6, Bình Chánh... cũng tăng trên dưới 100%. Trước cơn sốt đất chóng mặt như trên, các doanh nghiệp chuyên BĐS cũng khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất để phát triển sản phẩm, đặc biệt là căn hộ giá rẻ.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho biết: “Thực tế, nhiều doanh nghiệp chuyên làm căn hộ cũng đang đối mặt với khó khăn trong việc tìm quỹ đất. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã phải dạt ra các quận, huyện ngoại thành tìm quỹ đất để phát triển các dự án, đặc biệt là dự án căn hộ giá rẻ. Tuy nhiên, giá đất nền tăng cũng sẽ khiến cho giá căn hộ tăng theo, khi đó, người dân sẽ càng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở”.
Sở dĩ giá đất tăng theo ghi nhận của PV, chủ yếu là ăn theo thông tin về các công trình, dự án hay huyện sẽ trở thành quận, các thành phố vệ tinh... Ví như thông tin huyện Hóc Môn sắp lên quận nên giá đất ở đây cũng tăng vù vù.
Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM phân tích: “Nguyên nhân sốt giá đất tại TP.HCM cơ bản là do quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn chính là từ thông tin quy hoạch về các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng...”.
“Ngoài ra còn tình trạng giới đầu cơ thao túng. Khi xuất hiện thông tin dự án: Cầu, đường, bệnh viện, nhà ga, sân bay... dù chưa biết có triển khai hay không, bao giờ triển khai... giới đầu cơ bắt đầu ôm đất và thổi thông tin, đặc biệt là giá. Hậu quả cuối cùng là người mua chịu thiệt thòi”, ông Châu nói thêm.
Tình trạng sốt đất nền cũng chẳng khác là bao ở khu Đông, nơi cũng có mức tăng giá chóng mặt. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Tổng Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho rằng: “Các thông tin nhạy cảm từ cuối năm 2016 và thậm chí trước đó đã tạo ra cơn địa chấn về đất nền ở TP.HCM. Các nhà đầu tư thứ cấp đã đổ xô săn tìm đất nền rồi thổi giá làm sốt thị trường. Dù có nhiều rủi ro nhưng đất nền vẫn thu hút các nhà đầu tư này, vì lợi nhuận cao. Chính vì thế, giá đất ăn theo hạ tầng đang gây ra hiện tượng sốt ảo”.
Giá đất tăng chóng mặt theo các chuyên gia BĐS là điều không bình thường. TS. Nguyễn Hoàng Anh, chuyên gia kinh tế tại TP.HCM khuyến cáo: “Tình trạng giao dịch như hiện nay đang gây ra hiện tượng “sốt nóng” và bất thường. Thậm chí nó còn lan sang cả một số tỉnh sát TP.HCM, nằm ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn. Điều này hoàn toàn không tốt cho nền kinh tế vì sẽ gây ra khó khăn cho việc phát triển hạ tầng, giảm sức hút đối với các nhà đầu tư khi khó khăn trong việc tìm quỹ đất. Mặt khác, nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ bong bóng BĐS sẽ diễn ra và nợ xấu có thể quay lại do đầu cơ, trong khi sức mua không đáng kể”.
Trước hiện tượng bất thường trên, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM cho hay: “Việc giá đất tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước không thể can thiệp. Sở chỉ quản lý và cấp phép để việc xây dựng các công trình nhà ở được đảm bảo và kiểm soát các công trình xây dựng không phép. Còn phát triển nhà ở, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ chú trọng đến việc phát triển nhà ở xã hội”.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Sở dĩ có tình trạng sốt đất là do thiếu công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua TP đã ra mắt ứng dụng “Thông tin quy hoạch” trên hệ điều hành Android và tại địa chỉ: http://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn. Người dân sử dụng điện thoại thông minh, máy tính có thể truy cập và tìm hiểu các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi trên địa bàn TP. Đây chính là cách giảm thiểu rủi ro cho người dân và tránh để giới đầu cơ trục lợi”. |
Post a Comment