Trong cơ thể mỗi người, nước chiếm 60-70%. Vì thế, nước rất cần thiết đối với sức khỏe. Thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể.
Nước giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. Với trẻ em, nước lại càng quan trọng. Thiếu nước có thể dẫn đến suy giảm tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong nếu mất nước nặng trong các trường hợp tiêu chảy cấp. Thiếu nước cũng là nguyên nhân gây chứng táo bón ở trẻ em.
Thiếu nước có thể dẫn đến suy giảm tuần hoàn.
Theo phó giáo sư Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng, Bộ Y tế, nước cung cấp môi trường hoàn hảo cho tế bào sống yên ổn không bị bệnh. Đó cũng là cơ chế phòng bệnh tốt nhất, đặc biệt với bệnh không lây nhiễm và phòng chống ung thư, bảo vệ thận.
“Chỉ khát mới uống nước là hoàn toàn sai lầm. Khi cơ thể khát nghĩa là các tế bào đã thiếu nước”, phó giáo sư Mai nhấn mạnh. Một người trưởng thành trung bình một ngày cần 2-2,5 lít nước.
Nếu không phải lao động đặc biệt, ra mồ hôi nhiều, mất nước thì bạn cần chia đều lượng nước cần uống hàng ngày cho buổi sáng, chiều, tối. Buổi tối có thể uống ít hơn. Khi uống đủ nước, trong hai tuần đầu bạn đi tiểu nhiều hơn so với bình thường do cơ thể chưa thích nghi khi uống nhiều nước. Dần dần cơ thể thích nghi với trạng thái cân bằng mới, không đi tiểu nhiều, phó giáo sư Mai cho biết.
Cần lưu ý uống từ từ, kể cả khi quá khát. Uống từng ngụm một để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của cơ thể bị thiếu nước.
Ngoài ra, năm phút sau khi uống là nước đã rời khỏi dạ dày. Vì vậy, chuyên gia khuyên chỉ nên uống nước mười phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn; không nên uống ngay hoặc trong khi ăn. Uống nước trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn.
Post a Comment