Nguyệt thực là một hiện tượng tự nhiên thú vị mà đôi khi con người có thể quan sát được. Sự biến đổi màu sắc của Mặt Trăng khi xảy ra hiện tượng này thường khiến nhiều người thắc mắc.
Nguyệt thực là hiện tượng mặt trăng bị che khuất bởi bóng của trái đất trước ánh sáng của mặt trời, hay còn gọi là Mặt Trăng máu, là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời.
Nguyệt thực tác động đến con người như thế nào?
Theo các chuyên gia về thiên văn, tin đồn xung quanh nguyệt thực rất nhiều và đôi khi gây hoang mang cho mọi người. Tuy nhiên, đa số chỉ là sự thêu dệt của những người giàu trí tưởng tượng. Dù vậy, vẫn có một số ảnh hưởng nhất định đến đời sống con người khi nguyệt thực diễn ra.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn trẻ Việt Nam cho biết, nguyệt thực toàn phần hoàn toàn có thể giải thích cụ thể bằng hiện tượng vật lý. Thậm chí, ngày nay, việc tính trước ngày nào, giờ nào sẽ xảy ra hiện tượng này là điều hết sức dễ dàng của khoa học.
"Vậy nên gán cho hiện tượng này những câu chuyện huyền bí cũng như những dự đoán thiếu lạc quan là phản khoa học và nguy hại hơn là trở thành nguyên nhân của nhiều hoạt động tín ngưỡng không lành mạnh, làm ảnh hưởng không tốt tới xã hội", ông Sơn nhận định.
Song ông Sơn cũng cho biết, trên thực tế, việc xảy ra hiện tượng này không phải không có ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của con người.
Trái Đất chịu tác dụng hấp dẫn đồng thời của Mặt Trời và Mặt Trăng. Vào thời điểm thông thường, lực hấp dẫn tác động lên hành tinh của chúng ta từ hai thiên thể này không cùng phương mà lệch nhau một góc nhất định.
Vào những ngày Trăng tròn, lực hấp dẫn của hai thiên thể này với Trái Đất gần trung phương với nhau nên tổng lực là lớn nhất trong mỗi chu kì. Tuy vậy, khi xảy ra nguyệt thực, ba thiên thể nằm thẳng hàng nên hai lực này gần như hoàn toàn trùng phương. Như vậy, tổng giá trị của chúng là cực đại.
Khi đó, có thể làm các đợt thủy triều mạnh hơn, cao hơn. Thậm chí, người Nhật xa xưa tin rằng nguyệt thực báo hiệu các trận động đất, sóng thần. Điều này không hẳn là mê tín.
Theo ông Sơn, nhiều nghiên cứu của các nhóm khoa học trên thế giới cho thấy tại các khu vực có hoạt động địa chất không ổn định thì sự gia tăng của lực hấp dẫn là một nhân tố tác động thêm lên khả năng phát sinh các dao động địa chất - nguyên nhân gây nên động đất, sóng thần hay núi lửa.
Đối với chu kỳ sinh học của con người, các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng thời điểm Trăng tròn, đặc biệt là khi có nguyệt thực liên quan chặt chẽ tới việc suy giảm melatonin, một hormone liên quan tới việc điều chỉnh chu kì ngủ và tỉnh giấc. Vậy nên vào những ngày này, người ta thường khó ngủ hơn. Đồng thời làm tăng khả năng ức chế thần kinh.
Mặc dù vậy, ảnh hưởng này là không lớn nên không quá nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
"Nhiều thống kê cũng chỉ ra chu kỳ Trăng tròn nói chung và nguyệt thực nói riêng có ảnh hưởng tới việc tăng tỷ lệ sinh nở ở phụ nữ. Tuy nhiên, tới nay việc này chưa có bằng chứng khoa học cụ thể", ông Sơn cho hay.
Tuy vậy, tất cả những ảnh hưởng vật lý này đều khá nhỏ, do vậy thực tế chúng có tác động không đáng kể tới đời sống hàng ngày của con người. Và tất nhiên, trên thực tế nguyệt thực vẫn là một hiện tượng thiên nhiên rất thú vị mà con người có thể quan sát.
Chủ tịch Hội Thiên văn trẻ Việt Nam nhấn mạnh, đây cũng là dịp để các nhà khoa học quan sát chi tiết hơn bề mặt của Mặt Trăng (do cường độ ánh sáng giảm không gây chói như những lần Trăng tròn thông thường), qua đó nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc và các hoạt động của Hệ Mặt Trời nơi chúng ta đang sống.
Post a Comment