Làn sóng rời sếp doanh nghiệp của các lãnh đạo ngân hàng
Chia sẻ về việc sẽ chọn làm sếp doanh nghiệp hay ngân hàng khi mốc 15/1/2018 đang đến gần, ông Đỗ Quang Hiển (ông bầu của đội bóng T&T Hà Nội, thường gọi là bầu Hiển), Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Tập đoàn T&T xác nhận, ông sẽ thôi chức ở Tập đoàn T&T.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 thì Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác.
Quy định này nhằm minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, giảm triệt để tình trạng sở hữu chéo, công ty sân sau, nâng cao quản trị ngân hàng, loại bỏ vấn đề xung đột lợi ích.
Dưới cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc T&T với tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ 6,85%, tập đoàn này đang đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng song ông Hiển vẫn quyết định rời đi.
Các sếp ngân hàng vừa từ nhiệm ghế nóng ông chủ doanh nghiệp. (từ trái qua: các ông Dương Công Minh, Đỗ Quang Hiển, Đỗ Minh Phú, bà Thái Hương) |
Trước đó, ông Dương Công Minh cũng đưa ra quyết định làm Chủ tịch Sacombank thay vì Chủ tịch Him Lam - doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản với những dự án đình đám từ sân golf tới nhà ở… và là nơi ông đang sở hữu tới 99% vốn điều lệ.
Ông Đỗ Minh Phú, người có 1/4 thế kỷ gắn với thương hiệu DOJI cũng quyết định từ bỏ Tập đoàn Vàng bạc đá quý nổi tiếng này để ở lại làm Chủ tịch ngân hàng TPBank, nơi mà ông vừa mới gia nhập vừa tròn 5 năm.
Bà Thái Hương, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Bắc Á cũng lựa chọn làm CEO của Bắc Á Bank – một ngân hàng nhỏ trong hệ thống và vừa mới lên sàn UpCOM hôm 28/12/2017 thay vì ở lại phụ trách thương hiệu sữa TH.
Vì sao chọn ngân hàng?
Lý do ở lại ngân hàng của các doanh nhân nổi tiếng trên được cho là vì họ đều đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu ở ngân hàng và "đã hoàn thành sứ mệnh" tại doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm 30/9/2017, tổng tài sản của SHB đạt hơn 265.300 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 11.196 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.330 tỷ đồng.
Đầu tháng 12/2017, SHB cũng được sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vinh danh là một trong hai ngân hàng có hệ thống quản trị tốt nhất 2016 - 2017.
Cá nhân ông Đỗ Quang Hiển đang nắm giữ 3,46% cổ phần SHB, tập đoàn T&T của ông nắm giữ 12,59%.
Giữ lại chức Chủ tịch SHB, ông Hiển đồng thời vẫn kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch các công ty thành viên là Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF); Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land)...
Ông Hiển cho biết, thực tế nhiều năm qua dù giữ chức danh Chủ tịch hay Tổng giám đốc T&T nhưng ông thường điều hành gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp đến ngồi ở tập đoàn.
Một nữ doanh nhân nổi tiếng cũng buộc phải đặt mình vào lựa chọn cam go này là bà Thái Hương. Hiện bà Thái Hương là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và đang nắm giữ 21.624.590 cổ phần, chiếm 4,325% vốn điều lệ Bắc Á Bank.
Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng tài sản của ngân hàng Bắc Á (mã CK: BAB) đạt 85.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng 52.000 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 63.000 tỷ đồng.
Mặc dù thuộc hàng sinh sau đẻ muộn, mới chào sàn UPCoM hôm 28/12/2017 với giá khởi điểm khá cao 20.000 đồng/cổ phần song BAB đã tăng điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tiên với giá trị 23.000 đồng/cổ phiếu (tăng 15%), đã có 20.000 cổ phiếu BAB được giao dịch trong ngày chào sàn tương đương 460 triệu đồng.
Đối với trường hợp TPBank và DOJI, hiện ông Đỗ Minh Phú – đại diện DOJI nắm 8% cổ phần và ông Đỗ Anh Tú – em trai ông Phú nắm 5% cổ phần TPBank. Hai người lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, ông Phú hiện nắm 70% vốn điều lệ, 30% còn lại chia đều cho hai con là bà Đỗ Vũ Phương Anh và ông Đỗ Minh Đức. Do đó nhiều khả năng khi ông Phú rời ghế Chủ tịch, ghế nóng này sẽ được trao lại cho bà Phương Anh hoặc ông Đức.
Giới chuyên gia nhìn nhận, đa số các vị sếp này chọn ngân hàng bởi sở hữu được ngân hàng không hề dễ dàng, trong khi họ hoàn toàn có thể gián tiếp điều hành doanh nghiệp thông qua tỷ lệ cổ phần sở hữu hoặc đứng sau các cá nhân được thuê điều hành.
Chỉ còn 2 tuần nữa để đưa ra quyết định, hiện vẫn còn rất nhiều cái tên chưa công bố lựa chọn ở thời điểm này. Có thể kể đến ông Vũ Văn Tiền của ABBank, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch SeABank, bà Lê Thị Băng Tâm của HDBank…
Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào bỏ ngân hàng chọn ở lại doanh nghiệp.
Post a Comment