Tết Dương lịch và những ngày cận kề Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán rục rịch chi trả cổ tức cho các cổ đông.
Cùng lướt qua tỉ lệ chi trả của một số DN lớn để xem đơn vị nào chi cổ tức bạo tay nhất năm nay.
Đứng đầu bảng là Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (HoSE: VCF) vừa công bố 9/1/2018 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông nhận cổ tức. Theo đó, đơn vị này sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ “khủng” 660%, tương ứng 66.000 đồng/cổ phần. Ngày thực hiện thanh toán cổ tức là 31/1/2018.
Vinacafe Biên Hòa trả cổ tức "khủng" nhất năm 2017 với tỷ lệ 660%. |
Với vốn điều lệ 265,8 tỷ đồng, VCF dự chi 1.756 tỷ cho đợt thanh toán cổ tức này.
VCF hiện là cổ phiếu có thị giá cao nhất TTCK Việt Nam với 265.000 đồng, nhờ có 3 phiên tăng trần liên tục từ ngày 05/12 – 07/12 sau khi Masan Beverage chào mua công khai để nắm toàn bộ 100% cổ phần, cùng với thông tin trả cổ tức kỷ lục 66.000 đồng/cp đã được rò rỉ trước đó.
Là cổ đông lớn nhất của VCF, Công ty TNHH MTV Masan Beverage (82,4% vốn thuộc về Tập đoàn Masan) sẽ nhận về hơn 1.200 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ sở hữu 68,46%.
Đứng thứ hai là tỉ lệ chi trả cổ tức 35% (mỗi cổ phần nhận 3.500 đồng cổ tức) của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán SAB).
Theo đó, SAB dự kiến tạm ứng cổ tức tỷ lệ 35% vốn điều lệ. Ngày đăng ký cuối cùng là 16/1/2018. Ngày dự kiến chi trả là 23/1/2018. Với hơn 641 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, đợt này SAB sẽ chi khoảng 2.250 tỷ đồng tạm ứng cổ tức cho cổ đông.
Quyết định tạm ứng cổ tức của SAB được ký cùng ngày với quyết định chuyển nhượng hơn 53% cổ phần từ bộ Công Thương sang tay Công ty TNHH Vietnam Beverage – Công ty có liên quan tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, theo kết quả đấu giá chiều 18/12.
Như vậy, ngay sau khi xuống tiền 110.000 tỷ đồng để thâu tóm 53% cổ phần SAB, vị tỷ phú Thái thu về gần 1.203 tỷ đồng, tương đương khoảng 55 triệu USD tiền cổ tức.
Đứng thứ ba là Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom – FX), đơn vị sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng vào 15/3/2018. Với hơn 150 triệu cổ phiếu đang giao dịch trên UpCOM, FPT Telecom sẽ chi trên 300 tỷ đồng trả cổ tức lần này.
Trước đó FPT Telecom đã tạm ứng 10% cổ tức bằng tiền đợt 1 cho cổ đông. Tính cả lần này năm 2017 cổ đông công ty nhận 30% bằng tiền.
Hay Traphaco (TRA) cũng dự chi cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng) vào ngày 31/1/2018.
Vào ngày 30/3/2018, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) cũng tạm ứng cổ tức bổ sung đợt 1/2017 với tỷ lệ 15% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng.
Một ông lớn khác có tỷ lệ trả cổ tức bằng Vinamilk là Dược Hậu Giang (DHG). DHG mới chốt chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 15% tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng. Thời gian thanh toán là 25/1/2018. Như vậy Dược Hậu Giang sẽ chi gần 200 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Hãng hàng không có vị CEO nữ vừa lọt danh sách 1000 tỷ phú giàu nhất thế giới – Vietjet của doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo cũng vừa ban hành Nghị quyết theo đó chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức dự kiến năm 2017 từ 50% lên 60%, trong đó chia bằng tiền mặt tối đa 40%.
Nếu được thông qua, tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2017 sẽ là 60%, trong đó cổ tức tiền mặt tăng từ 30% lên 40%. Mục đích xin ý kiến cổ đông lần này để chuẩn bị tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2017.
Giữa tháng 8/2017, Vietjet đã chi 645 tỷ đồng tạm ứng cổ tức năm 2017 tỷ lệ 20% bằng tiền. Trước đó, Vietjet cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 40%, hoàn tất việc trả cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2016 tỷ lệ 119%.
Post a Comment