Thời tiết lạnh, không khí chưa được sưởi ấm đầy đủ trong khi qua mũi, tới khí quản và vào phổi, làm giảm sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp.
PGS.TS Lê Văn Phủng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế cảnh báo hiện nay nhiễm trùng vẫn là bệnh có tỷ lệ mắc đứng đầu trong mô hình bệnh ở nước ta mặc dù các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, ung thư,…) đang tăng lên nhanh chóng.
Hội chứng nhiễm trùng rất đa dạng, có thể xuất hiện ở tất cả cơ quan như nhiễm trùng đường hô hấp (viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, phổi, lao phổi,…), nhiễm trùng đường tiêu hóa (viêm miệng, thực quản, dạ dày, viêm gan, tụy, ruột thừa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, giun sán,…), nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm bàng quang, viêm thận, bể thận), nhiễm trùng sinh dục (lậu, giang mai,…), nhiễm trùng khoang kín, thần kinh, cơ xương khớp.
Bất cứ ai cũng dễ mắc bệnh nhiễm trùng, trong đó trẻ nhỏ, người già, người dùng thuốc suy giảm miễn dịch,… được coi là đối tượng có nguy cơ cao mắc các loại bệnh nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể dẫn tới biến chứng và nguy cơ tử vong.
Bệnh lây nhiễm như thế nào?
Theo PGS Phủng, vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua hàng rào da, niêm mạc nhân lên ở mô tế bào gây ra hội chứng nhiễm trùng. Các triệu chứng của nhiễm trùng phụ thuộc vào loại bệnh. Một số biểu hiện hay gặp như sốt, mệt mỏi, chán ăn, ra mồ hôi đêm, ớn lạnh, đau nhức, sút cân, nôn mửa… Các triệu chứng này chính là phản ứng của hệ miễn dịch để loại bỏ sinh vật ra khỏi cơ thể.
Một người khỏe mạnh hoàn toàn có thể mắc bệnh nhiễm trùng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi vào không khí. Các vi sinh vật có trong giọt nước bắn ra lơ lửng trong không khí xâm nhập vào cơ thể của người khỏe qua mũi, miệng hoặc mắt.
Còn mầm bệnh gây viêm dạ dày ruột, từ tiêu hóa thường lây qua đường phân - miệng, thực phẩm hoặc nước bị nhiễm bẩn. Một số nhiễm trùng có thể bị lây qua đường ăn uống như hôn, dùng chung ly, bát, đĩa thìa.
Một số con đường nhiễm trùng có thể kể tới qua đường tình dục, từ mẹ sang con, tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua vật chủ trung gian là muỗi, ve, bọ chó…
Đau họng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp khi trời lạnh. (Ảnh: Doctoroz).
Theo chuyên gia, các bệnh nhiễm trùng hô hấp thường gia tăng trong mùa đông xuân giá rét. Nguyên nhân là thời tiết lạnh, không khí chúng ta hít thở chưa được sưởi ấm đầy đủ trong khi qua mũi, tới khí quản và vào phổi, nó làm giảm sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp.
Không khí hít vào thường có nhiều loại vi khuẩn, khi sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp bị giảm sút, vi khuẩn dễ xâm nhập cơ thể gây các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Trong đó, bệnh thường gặp nhất là viêm họng, viêm phổi và những đợt bội nhiễm của các bệnh mãn tính.
Để phòng bệnh nhiễm trùng nói chung, PGS Phủng lưu ý người dân cần rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, làm giảm nguy cơ gây nhiễm trùng. Đồng thời người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo chế biến thực phẩm luôn an toàn vệ sinh, ăn uống đa dạng luyện tập thể thao để tăng cường hệ miễn dịch và quan hệ tình dục an toàn, hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm, không vào viện nếu thấy không cần thiết.
Post a Comment
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.