Tôi không thù ghét gì diễn viên trẻ
Chào đạo diễn Phạm Đông Hồng, vài năm gần đây, có người ví phim hài tết dân gian của anh như một chương trình Táo quân thu nhỏ bởi vì phim nó cũng động chạm đến những vấn đề thời sự nhạy cảm của cuộc sống. Anh nghĩ sao về điều này?
Đúng là hai bên cùng tổng kết sự kiện nóng trong năm, tuy nhiên Táo quân được thể hiện bằng hình thức sân khấu, mang tính ước lệ cao và lối tung hứng văn nói giữa các diễn viên. Chúng tôi làm thành phim, với mỗi vấn đề đều phải có tình huống và không gian, thời gian… một cách cụ thể, logic.
Làm phim hài tết công phu hơn nhiều, bởi diễn viên phải có bối cảnh nhất định. Tuy nhiên, việc so sánh kia cũng khá thú vị.
Chứng tỏ khán giả có xem phim hài và để ý đến các tình huống trong phim của Đông Hồng nên mới có những so sánh đặc biệt thế.
Nhiều năm nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng làm phim hài dân gian phát vào dịp tết. |
Làm hài tết dân gian phải rất phong phú về ý tưởng kịch bản, có bao giờ Phạm Đông Hồng thấy mình bị “đuối sức” khi nghĩ kịch bản không?
Làm nghệ thuật thì luôn cần sáng tạo. Những kịch bản trước kia như: Râu quặp, Thầy dởm… đúng là câu chuyện phần nào đó có sẵn trong dân gian.
Những năm gần đây đa phần phim hài tết của tôi như: Chôn nhời, Quan trường trường quan, Trở lại, Bờm… hoàn toàn không có trong dân gian nên tôi không bao giờ sợ cũ. Đó là những kịch bản do tôi tự tay viết, ý tưởng được ấp ủ hàng năm trời. Có lẽ tôi là một trong số ít người “dũng cảm” còn theo đuổi hài dân gian, bởi kinh phí lớn và khó làm.
Chỉ xét về bối cảnh chúng tôi phải đi chọn rất nhiều, đâu cũng vướng cột điện, dây điện, nhà cao tầng. Đa phần chúng tôi phải tạo dựng lại bối cảnh, hoặc đôi lúc phải chấp nhận quay cái cổng nhà ở nơi này còn trong nhà lại ở một nơi khác. Với tôi, hài dân gian luôn là “mảnh đất màu mỡ” để mình sáng tạo.
Các diễn viên vào phim hài dân gian của Phạm Đông Hồng năm nay. |
Vì thế năm nay, anh cũng làm hài dân gian để khai thác “mảnh đất” nghệ thuật này?
Năm nay, tôi tiếp tục làm phim dân gian là Chôn nhời 5 và Họ Lý, tên Thông. Ngày xưa tôi hay dựa vào chuyện dân gian Việt Nam như: Chuyện sợ vợ, chuyện thầy rởm, chuyện thạch sùng… để làm phim nhưng nếu cứ dựa vào đó sẽ hết vốn. Độ 5 năm trở lại đây, tôi chỉ dựa vào tích đó để dựng thành một câu chuyện mới theo kiểu của mình. Cách thể hiện là dân gian nhưng vẫn đề là của đương thời.
Những câu chuyện phim này có tính triết lý cao và tôi cho rằng, đề tài này chưa ai làm. Điều tôi muốn nói là câu chuyện dựa trên tích xưa nhưng lại được khai thác ở khía cạnh mới.
Đó là con người ai đẻ ra cũng lương thiện như nhau nhưng bị xã hội đùn đẩy như thế nào đó họ mới biến chất. Đây là phim lần đầu tiên chúng tôi triển khai quay công nghệ 4K.
NSND Trung Hiếu và MC Thành Trung vào phim Họ Lý, tên Thông của Phạm Đông Hồng. |
Người ta vẫn thắc mắc, diễn viên trẻ có nhiều lắm, vì sao phim của anh vẫn luôn mời dàn diễn viên cũ tham gia đóng hài dân gian?
Diễn viên trẻ đóng hài ở miền Bắc cũng có, nhưng để đóng ra “chất hài” đáp ứng được phim hài dân gian thì cũng khó.
Gần đây, có một số diễn viên như: Minh tít, Trung ruồi, Duy Nam... cũng tham gia diễn hài. Thật ra, những bạn đó đóng sitcom cho tôi đều được, nhưng vào phim hài cổ trang thì nói chung còn non, vì họ chưa có nhiều chất liệu sống. Như mới đầu, tôi chọn nhân vật Lý Thông – một người có đa tính cách, chọn mãi mới chọn được NSND Trung Hiếu. Tiếp đó là nhân vật Thạch Sanh – một người có hình thể cao to thì chọn được Thành Trung.
Hiện tại tôi cũng đang mở một lớp diễn viên trẻ, các em thường hỏi tôi: Bao giờ chúng cháu được đóng phim của chú? Tôi mới bảo: Các cháu muốn nghe nói thật hay nói dối. Tôi bảo các em: Phải 10 năm nữa, mới có thể đóng được phim của Phạm Đông Hồng.
Tôi không “thù ghét” gì lớp trẻ, nhưng chúng tôi có nỗi khổ của người làm kinh doanh. Một năm có vài bộ phim hài vào dịp tết, mà lại đứng ra “thử” thì không có cơ hội làm lại. Vì vậy, làm cái gì cũng phải chắc chắn.
Năm nay phim Chôn nhời 5 sẽ có nhiều tình huống hài hước, thời sự. |
"Ở VN chỉ có anh Xuân Hinh mới được gọi là diễn viên hài"
Theo anh, ở miền Bắc hiện nay thì những ai đóng hài “ra chất” nhất?
Thật ra, đóng hài ngoài kỹ năng diễn xuất ra còn phải có duyên, cái này không ai cho được.
Có những người nói cả ngày không ai cười, nhưng có người nói câu nào, người ta cười câu ấy. Cái đó, không có trường dạy.
Những nghệ sĩ như Xuân Hinh, Trung Hiếu, Công Lý, Quang Thắng… đều là những người đóng phim duyên dáng. Ở VN chỉ có anh Xuân Hinh mới được gọi là diễn viên hài, vì anh ấy xuất phát từ hề chèo. Còn lại, các diễn viên đều đi lên từ chương trình Gặp nhau cuối tuần, từ đó, mới được gọi là diễn viên hài.
Thời gian gần đây, mọi người nghĩ rằng, hài tết rất dễ làm, có thu nhập cao nên các công ty truyền thông thi nhau làm. Thì người ta mời ai? Ngoài miền Bắc có diễn viên đóng hài tốt, cát – xê cao như Xuân Bắc, Tự Long, Xuân Hinh, Công Lý…
Tuy nhiên, các công ty nhỏ mà mời những diễn viên này thì sợ kinh doanh không có lãi, thì họ sẽ mời những gương mặt đi lên từ chương trình Gặp nhau cuối tuần, với giá cát – xê thấp hơn, nhưng cũng có gương mặt quen thuộc với khán giả.
Có diễn viên đóng phim hài, chỉ nói vài câu trong phim, đủ để phim lấy cái tên quảng cáo cho phim là được.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, anh viết kịch bản hài tết dân gian với nhiều sáng tạo. |
Có diễn viên được mời vào hài tết đã “đòi” 1 tỷ
Tiêu chí chọn diễn viên phim hài tết của anh là gì? Diễn viên tham gia phim của anh có “hét” cát – xê không?
Nhiều năm nay, các diễn viên tham gia phim hài tết của tôi đều hỏi: Kịch bản như thế nào, chứ họ không hỏi cát – xê được trả bao nhiêu.
Thật ra, những diễn viên có tài năng thực sự họ không quan tâm đến cát – xê, vì họ biết rằng, mình sẽ được đánh giá xứng đáng.
Phạm Đông Hồng không giống như những người khác, trước khi đi mời diễn viên tham gia là tôi đã viết kịch bản cho phù hợp với diễn viên mà mình định mời rồi nên không có chuyện “gọt chân cho vừa giầy”, vì vai nào, nhắm ai, tôi đã nghĩ đến khi viết kịch bản và hầu như, năm nào cũng đúng ý tôi.
Theo tôi biết, diễn viên miền Bắc thường “hét” cát – xê theo gương mặt, diễn viên miền Nam đòi cát – xê theo ngày quay, quay 1 ngày họ đòi cát – xê khác, quay 3 ngày họ đòi cát - xê khác. Có diễn viên được mời vào hài tết đã “đòi” 1 tỷ, đến tỷ rưỡi cơ đấy.
Phạm Đông Hồng cho biết, vì diễn rất hợp nhau nên nhiều đoàn làm phim mời Xuân Bắc thường mời Tự Long để các nghệ sĩ tung hứng với nhau. |
Có thông tin cho rằng, phim hài tết cứ mời Xuân Bắc là phải mời Tự Long, có phải không anh? Giữa anh và hai nghệ sĩ này có mâu thuẫn gì chăng mà hai năm nay không thấy anh mời họ đóng phim hài của mình?
Ôi, làm gì có mâu thuẫn gì. Nhiều năm nay tôi đã mời cặp đôi Xuân Bắc – Tự Long để tham gia hài tết Phạm Đông Hồng. Là do kịch bản thôi, phải có vai diễn phù hợp với hai diễn viên ấy. Thực ra, đúng là có thực tế, nếu mời Xuân Bắc thì nên mời Tự Long, tôi cũng không hiểu sao lại có “luật” ấy. Có lẽ là do hai nghệ sĩ ấy có lối diễn phù hợp, “ăn xăm” với nhau. Đó là hai nghệ sĩ phải luôn đi cùng với nhau như kiểu “giời sinh một cặp”.
Nhưng có thông tin cho rằng, vì mời hai nghệ sĩ Xuân Bắc và Tự Long phải trả cát –xê cao nên anh mới không hợp tác với họ?
Nhiều năm nay, phim hài tết khai thác kiểu dân gian là thương hiệu của tôi.
Hai nghệ sĩ Xuân Bắc và Tự Long thì có cách diễn xuất khỏi nói rồi, hai người đó chỉ cần nhìn vào mắt nhau là biết họ sẽ diễn như thế nào. Trước kia, đi được mời tham gia phim của tôi, không bao giờ họ hỏi cát – xê là bao nhiêu và tôi tin, nếu bây giờ tôi mời, họ cũng thế. Chỉ có điều là phải có kịch bản hợp với họ.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Post a Comment