PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh để có cái nhìn rõ hơn về bức tranh này.

Đầu tư - “Bán mình” cho nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp Việt toan tính gì?

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Thưa ông, đến nay Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với khu vực cũng như trên thế giới, điều này mở ra cơ hội cũng như thách thức như thế nào đối với doanh nghiệp Việt trong quá trình M&A hiện nay?

Khi ký kết các hiệp định thương mại, nếu doanh nghiệp Việt nắm và hiểu biết được đối tác, đồng thời đáp ứng các yêu cầu sẽ mở rộng kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa vào các nước đã ký hiệp định, từ đó giúp doanh nghiệp hoạt động trôi chảy và tốt hơn. Cũng giống như Việt Nam, người tiêu dùng ở đâu cũng thích sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Vì thế, việc nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ, tăng cường quản trị nhân sự để giảm thấp chi phí sản xuất kinh doanh trở thành đòi hỏi bắt buộc khi chúng ta hội nhập trong khu vực và trên thế giới. Nếu không làm được điều này bản thân doanh nghiệp sẽ khó lòng tồn tại được khi đã ký kết các hiệp định thương mại.

Thế nên doanh nghiệp rõ ràng phải năng động hơn, tích cực hơn trong quá trình tự hoàn thiện mình và quá trình M&A là cách có thể nâng cao năng lực hoạt động, khoa học công nghệ của doanh nghiệp đỡ tốn kém nhất.

Nhìn lại bức tranh M&A trong những năm vừa qua có thể thấy đầu tiên phần lớn là doanh nghiệp Thái Lan để mắt tới Việt Nam thực hiện những thương vụ mua bán, sáp nhập, nhưng trong hai năm trở lại đây đã có nhiều doanh nghiệp từ các nước khác nhau trên thế giới tiến hành các thương vụ M&A với doanh nghiệp Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về điều này?

Trước đây, doanh nghiệp của ta vẫn còn nhiều vấn đề về mặt sở hữu cũng như độ lớn để được các nhà đầu tư trên thế giới quan tâm. Thời gian gần đây, cùng với việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm nhiều hơn vì doanh nghiệp sau cổ phần hóa tương đối lớn, có năng lực về khoa học công nghệ và mặt quản lý để nhà đầu tư nước ngoài xem xét mua lại cổ phần từ các doanh nghiệp đó.

Trong thời gian gần đây, thể chế thị trường ngày càng hoàn thiện, vì thế các họa động về sở hữu tài sản, quản trị, tranh chấp... đã bắt đầu theo con đường kinh tế thị trường một cách tương đối chuẩn mực nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù trước đây nói là mở cửa nhưng ta vẫn có hàng rào thuế quan và nhiều thủ tục làm cho nhà đầu tư nước ngoài e dè kể cả đầu tư trực tiếp hay mua cổ phần. Hiện, khi ta ký kết ngày càng nhiều hơn các hiệp định thương mại quốc tế, cam kết một cách đầy đủ hơn cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm để bỏ vốn đầu tư.

Trong bối cảnh hàng loạt thương vụ M&A lớn liên tiếp diễn ra ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, có ý kiến nghi ngờ phải chăng doanh nghiệp trong nước đã không còn mặn mà với kinh doanh, ông đánh giá sao về việc này?

Theo tôi không phải vậy. Việc bán cổ phần cho nước ngoài là quá trình quốc tế hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp. Khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, bỏ vốn ra dứt khoát họ sẽ quan tâm tới đồng vốn của mình, từ đó quan tâm tới quá trình quản trị doanh nghiệp, quan tâm tới đầu vào của các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu cho đến máy móc công nghệ, quản trị nhân sự lẫn đầu ra của sản phẩm. Và, chính họ sẽ xem xét giúp các doanh nghiệp hoàn thiện mình ở tất cả các công đoạn, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng tính đến việc các sản phẩm đầu tư có được thị trường nước mình cũng như các thị trường quốc gia trên thế giới chấp nhận không? Từ đó, giúp doanh nghiệp đổi mới, cải tiến từ hình thức tới chất lượng để xuất khẩu được, tạo động lực, sức hút mới cho sự phát triển kinh tế.

Vì thế, việc bán bớt cổ phần, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào hoạt động mua vốn kinh doanh của các doanh nghiệp cũng trở thành động lực rất mạnh mẽ có thể tự đổi mới nhanh nhất, đỡ tốn kém nhất, không mất quyền lãnh đạo, chỉ đạo nhưng lại đạt được hiệu quả cao.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài thực tế là họ muốn quốc tế hóa sản phẩm và muốn nó không chỉ được tiêu dùng ở thị trường nội địa mà phát triển ra tầm quốc tế.

Có ý kiến cho rằng, hiện tại chúng ta mới nói nhiều đến một chiều của M&A mà chưa tính đến chiều ngược lại, và chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều thương vụ M&A ngược. Ông nhận định sao về điều này?

M&A có cả hai chiều. Trước đây chiều mà chúng ta xem xét là các nhà đầu tư được lợi gì từ M&A thì bây giờ VN hoàn toàn có thể thực hiện M&A với các doanh nghiệp trên thế giới. Hiện đã có doanh nghiệp mua lại nhà máy của Mỹ, Hàn Quốc hay Lào, Campuchia. Lợi ích không chỉ về phía nước ngoài mà cả phía nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt đều được lợi.

Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ thụ động nhận vốn bán cổ phần cho nước ngoài mà cũng tiến hành mua doanh nghiệp, cổ phiếu của doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào hội đồng quản trị. Doanh nhân Việt Nam cũng đang lớn lên về mặt pháp lý, kinh doanh, thị trường… đây là điều đáng mừng và hi vọng sẽ tạo ra bước đột phá. Tôi cũng hi vọng M&A có thể làm cho khoa học kỹ thuật được nâng cao, có những nguồn lực mới bổ sung vào nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt trở thành mắt xích trong chuỗi kinh doanh toàn cầu và tương lai trở thành những tập đoàn đa quốc gia.

Trân trọng cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính – ngân hàng:

Lường trước rủi ro

Rủi ro lớn nhất là khi nhà đầu tư mua một doanh nghiệp mà những vấn đề của doanh nghiệp này chưa thể hiện ra lúc nghiên cứu và đàm phán. Điều này cũng đúng trong trường hợp hai doanh nghiệp sáp nhập vì nhiều khi doanh nghiệp sáp nhập cũng chưa thể hiện rõ những vấn đề có trong đó.

Bên cạnh đó, đối với người lao động, sau khi sáp nhập sẽ loại bỏ một số vị trí không cần thiết cho doanh nghiệp hiện tại hoặc đó là những vị trí trùng lắp. Mặc dù việc loại bỏ một số vị trí và sa thải lao động là hiện tượng bình thường trong giao dịch M&A nhưng đối với người lao động đó là một rủi ro. Đây không chỉ là rủi ro cho riêng người lao động của công ty bị sáp nhập mà còn cho người lao động trong công ty đang còn tồn tại vì có thể có những vị trí trùng lặp nên ban lãnh đạo công ty muốn loại bỏ.

Thông thường trong những dự án M&A bài bản những điều đó hai bên đã thương thảo và trở thành kế hoạch cuối cùng. Hai bên cùng đồng thuận, nhưng cũng có trường hợp khi hai doanh nghiệp sáp nhập có những vấn đề mà lãnh đạo, người thương lượng chưa nhìn thấy. Để tránh những trường hợp như vậy ban lãnh đạo cả hai công ty thường phải nghiên cứu và lên kế hoạch để không có sự giao động, xáo trộn về nhân sự.

Đầu tư - “Bán mình” cho nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp Việt toan tính gì? (Hình 2).

FPT bán 47% cổ phần tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading)

Mới đây, tập đoàn FPT chính thức công bố về việc thỏa thuận hợp tác đầu tư với tập đoàn Synnex Technology International Corporation (trụ sở tại Mỹ) về việc bán 47% cổ phần tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading), thu về gần 1.000 tỷ đồng. Trong thương vụ mà FPT Trading được định giá trên 80 triệu USD này, FPT nhận được 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading. Ngoài ra, phải kể đến hàng loạt thương vụ M&A đình đám đã diễn ra như: Kido thâu tóm 65% dầu thực vật Tường An, Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của ANZ; CJ Group thâu tóm thực phẩm Cầu Tre, Minh Đạt; Deasang Corp mua lại 99,99% Đức Việt; VIB thâu tóm ngân hàng ngoại CBA; Thành Thành Công chi 1.330 tỷ mua lại HAGL Sugar…

Thiên Di

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top