Ông Hoàng Khải đã tự “đập chết” thương hiệu của mình. |
Những ngày qua, dư luận dậy sóng vụ ông Hoàng Khải - Chủ tập đoàn Khaisilk phải thừa nhận, mình đã bán tơ lụa Trung Quốc nhái hàng Việt đã 30 năm nay. Việc thừa nhận này là điều không thể khác, bởi vụ việc đã quá rõ ràng, lại được Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo một cách rất nhanh và quyết liệt. Do đó, báo cáo của Chi cục QLTT Hà Nội - nguyên nhân hàng nhái “do nhân viên cửa hàng…” khiến dư luận khó hiểu và bất bình.
Mặt khác, chính sự thừa nhận này của ông Hoàng Khải và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khiến dư luận không thể không đặt một số câu hỏi với các cơ quan chức năng.
Thứ nhất, dư luận không thể hiểu nổi, vì sao doanh nhân Hoàng Khải lại có thể lừa dối khách hàng lâu như vậy? Thậm chí, việc phát hiện sự gian lận này không phải từ cơ quan chức năng, mà do một khách hàng bình thường. Do đó, dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Liệu có không những cái bắt tay giữa các nhóm lợi ích với doanh nhân Hoàng Khải để lừa bịp người tiêu dùng?
Câu hỏi này đặt ra bởi, với một chuỗi cửa hàng của ông Hoàng Khải, lượng tiêu thụ là cực lớn. Vì vậy, lẽ nào, các cơ quan chức năng như thuế vụ, QLTT và các cơ quan chức năng khác không phát hiện nổi việc làm ăn bịp bợm của tập đoàn Khaisilk?
Nếu ngụy biện rằng, họ buôn lậu hàng Trung Quốc làm sao mà biết, thì dễ thấy, lượng mua hàng tơ lụa Việt Nam ít hơn nhiều so với lượng bán ra, cơ quan chức năng phải biết. Đó là nhiệm vụ của họ. Mặt khác, lượng hàng nhái chiếm đến 50% (đây mới là lời tự thú nhận của ông Hoàng Khải), chứ đâu có ít. Vậy nhưng, vì sao họ không biết?
Thứ hai, với vụ việc như thế này, Chi cục QLTT Hà Nội có đủ thẩm quyền làm rõ hơn những gì bà chủ cửa hàng khai báo. Ai có thể tin nổi điều chủ cửa hàng khai: Nhân viên tự tiện mua thêm 60 sản phẩm Trung quốc để làm hàng nhái. Chưa cần đao to búa lớn, chỉ cần một vài câu hỏi: Nhân viên đó là ai, tiền mua hàng ai đưa và đã mua ở cửa hàng nào thì tất cả sẽ lộ rõ.
Cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Thậm chí, nếu có chuyện mua hàng đi nữa, Chi cục QLTT xin lệnh kiểm tra tiếp cửa hàng đã bán sản phẩm Trung Quốc. Lúc đó sẽ rõ, hàng Trung Quốc đó có phải là hàng nhập lậu hay không. Rất có thể, nhờ hành động quyết liệt này, đường dây buôn lậu lớn được phát hiện.
Thứ ba, với một tập đoàn lớn, có uy tín trên thương trường như Khaisilk đã lừa dối người dùng một cách dễ dàng hàng chục năm nay, trong đó, rất nhiều khách hàng nước ngoài. Còn gì nguy hiểm hơn. Do đó, với thẩm quyền của mình, vì sao Cục QLTT không sớm chỉ đạo Chi cục QLTT ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh làm quyết liệt vụ buôn bán hàng nhái này? Nếu làm tốt, đây là cơ hội để Cục QLTT có thể cùng một số cơ quan chức năng bóc gỡ một số đường dây buôn lậu và làm rõ hành vi làm và buôn bán hàng nhái - một trong những đối tượng chính kìm hãm sự phát triển sản xuất, sáng tạo.
Với vụ việc này, không chỉ doanh nhân tự đánh chết thương hiệu của mình, đập tan lòng tin của người tiêu dùng, mà còn khiến dư luận mất lòng tin vào các cơ quan chức năng. Ngược lại, nếu làm cương quyết, đến nơi đến chốn thì không chỉ lấy lại phần nào lòng tin của người dân, mà còn là bài học cảnh báo cho những doanh nhân muốn lừa bịp người tiêu dùng.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Vương Hà
Post a Comment