Một giảng viên vật lý ở Đại học Harvard, Mỹ chia sẻ thí nghiệm đổ thìa dầu olive xuống hồ khiến mặt nước gợn sóng trở nên tĩnh lặng trong chốc lát.
Tiến sĩ Greg Kestin, giảng viên vật lý ở Đại học Harvard đăng video ghi lại thí nghiệm trên YouTube hồi tháng 1, theo BtechB.com. Trong video, thìa dầu olive nhanh chóng lan tỏa trên mặt nước trong vòng vài phút, làm những gợn sóng lăn tăn quanh thuyền của tiến sĩ Kestin biến mất. Kết quả là một khu vực rộng lớn trên hồ nước nhanh chóng trở nên phẳng lặng.
Dầu olive khiến mặt nước gợn sóng trở nên tĩnh lặng. (Ảnh: Mr Lightman 1975).
Hiện tượng này xảy ra do khi dầu olive tiếp xúc với mặt nước, mặt có điện tích âm của phân tử dầu bị hút vào mặt điện tích dương của phân tử nước. Do đó, tất cả phân tử dầu tỏa ra và bám đều trên mặt nước, tạo thành một lớp phủ có độ dày đúng bằng một phân tử.
"Thông thường, gió tạo nên những gợn sóng thông qua tác động trên bề mặt nước. Nhưng ở đây, dầu đóng vai trò như một tấm thảm không dễ bị bẻ cong hay kéo căng trên mặt nước. Gió chỉ có thể kéo tấm thảm dọc theo mặt nước mà không tạo ra được gợn sóng", tiến sĩ Kestin giải thích.
Thí nghiệm nổi tiếng này từng được Benjamin Franklin, một trong những vị cha đẻ của nước Mỹ, sử dụng để thuyết phục người dân rằng ông có khả năng trấn áp ngọn sóng. Phản ứng không chỉ xảy ra trên mặt hồ hoặc dòng suối mà còn có thể áp dụng trên biển. Các thủy thủ thường đổ dầu ăn xuống nước trong cơn bão để tàu lướt êm hơn.
Thông qua vài phép tính toán học, tiến sĩ Kestin hướng dẫn cách phát hiện kích thước của phân tử dầu olive khi nhìn xuống nước. Do lớp dầu có độ dày bằng một phân tử ở mọi điểm bất kỳ, bạn có thể hình dung việc chia lớp dầu thành những vòng tròn đủ rộng để chứa vừa trong một chiếc thìa. Vùng dầu lan ra bao phủ 0,2 hecta, do đó bạn cần chia 0,2 hecta ra 5 triệu thìa.
Nếu xếp chồng tất cả vòng tròn trên thìa, chúng sẽ cao khoảng một centimet, tương ứng 5 triệu lớp vòng tròn, tức mỗi phân tử có độ lớn bằng 0,000005 centimet.
Post a Comment