Ông Yoshiro Nakamatsu đã có bản quyền của hơn 3.500 sáng chế, gấp 3 lần so với 1.093 bằng sáng chế của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison.

Ngày 31/12/2015 là một ngày lễ với rất nhiều người khi đêm giao thừa đến gần. Tuy nhiên với giáo sư Yoshiro Nakamatsu (Nakamats), đây lại là ngày buồn của ông khi các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư và chỉ có thể sống đến ngày này.

Tuy nhiên, vị giáo sư 87 tuổi nhất quyết không đầu hàng tử thần bởi ông không phải là một người bình thường mà là nhà sáng chế giỏi nhất mọi thời đại nếu tính theo số phát minh được đăng ký bản quyền. Ông đã có bản quyền của hơn 3.500 sáng chế, gấp 3 lần so với 1.093 bằng sáng chế của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison.

Cho đến tận hiện nay, vị giáo sư đam mê phát minh này vẫn sống khỏe bởi ông đã và đang sáng chế ra chính phương pháp điều trị cho căn bệnh ung thư của mình.

Vị giáo sư 87 tuổi với hơn 3500 bằng sáng chế Yoshiro Nakamatsu.
Vị giáo sư 87 tuổi với hơn 3500 bằng sáng chế Yoshiro Nakamatsu.

Tự phát minh phương pháp chữa ung thư cho bản thân

Bất chấp việc bị chấn đoán ung thư, giáo sư Nakamats cho biết mình sẽ sống đến năm 144 tuổi và sẽ phát minh khoảng 6.000 sáng chế.

"Khác biệt lớn nhất giữa tôi và Thomas Edison là ông ấy mất năm 84 tuổi còn tôi mới chỉ ở giữa cuộc đời mình", giáo sư Nakamats khẳng định.

Nhận định của ông Nakamats không phải nói suông khi vị giáo sư này đã bắt đầu nghiên cứu về dinh dưỡng học cũng như mối liên quan đến sức khỏe con người từ năm 42 tuổi. Chuyên gia này phân tích mọi bữa ăn của mình, sau đó thử máu cũng như các loại xét nghiệm khác để cho ra kết luận rằng con người ăn quá nhiều và đây là nguyên nhân khiến tuổi thọ chúng ta bị giảm thiểu.

Giáo sư Nakamats.
Giáo sư Nakamats.

Nghe có vẻ phi lý nhưng giáo sư Nakamats tin rằng việc ăn ít nhưng đúng loại thực phẩm, tập thể dục thường xuyên và có một cuộc sống tinh thần viên mãn sẽ khiến con người có tuổi thọ lâu dài hơn cũng như không bị bệnh tật.

Đây không phải là lần đầu những phát minh của Nakamats khiến toàn giới chuyên gia phải kinh ngạc. Trên thực tế rất nhiều phát minh của ông cực kỳ hữu ích nhưng không được nhân rộng cũng như được các quốc gia khác tiếp nhận.

Hơn nữa, rất nhiều sáng chế của ông Nakamats thuộc hàng khá dị nên cũng thỉnh thoảng cũng bị giới chuyên gia quốc tế cũng như nhà đầu tư nghi ngờ về tính khả thi trong việc thương mại hóa. Một số phát minh có thể kể đến như đôi giày nhảy tốc độ Pyon Pyon giúp người dùng có sức bật và chạy nhanh hơn, gậy đánh golf báo hiệu khi bóng đã vào lỗ, áo lót nâng ngực siêu năng...

Do đó, không có gì khó hiểu khi việc tự phát minh ra phương pháp chữa ung thư cho bản thân của giáo sư Nakamats chưa được nhiều người biết tới. Tuy nhiên giới chuyên gia Nhật Bản lại rất kỳ vọng vào những nghiên cứu này bởi ông Nakamats thực sự có tài trong việc sáng chế những phát minh mới.

Bằng chứng tiêu biểu nhất là việc phát minh ra đĩa mềm được chính quyền Tokyo cấp bằng sáng chế năm 1952 và bị IBM "đánh cắp" khi hãng tuyên bố phát minh này được các kỹ sư của công ty sáng chế vào năm 1969. Để tránh xảy ra nhiều xung đột và kiện cáo, IBM đã ký một loạt các thỏa thuận với giáo sư Nakamats vào năm 1979.

"Tôi là sự kết hợp giữa Steve Jobs và Leona de Vinci", ông Nakamats tự hào nói.

Mối quan tâm hàng đầu của nhà phát minh này hiện nay là tìm ra phương pháp chữa ung thư cho bản thân.
Mối quan tâm hàng đầu của nhà phát minh này hiện nay là tìm ra phương pháp chữa ung thư cho bản thân.

Kể từ khi bị chấn đoán ung thư vào năm 2013, giáo sư Nakamats tập trung nhiều hơn vào những phát minh thực sự có ích cho loài người, ví dụ như tìm nguồn năng lượng thay thế cho điện hạt nhân, phát minh những phương tiện mới cho giao thông công cộng, phát triển công nghệ dữ liệu lớn (big data) hay giáo dục thanh thiếu niên để trở thành một nhà phát minh.

Tuy vậy, mối quan tâm hàng đầu của nhà phát minh này hiện nay là tìm ra phương pháp chữa ung thư cho bản thân. Khác với nhiều bệnh nhân ung thư khác, giáo sư Nakamats lại cảm thấy may mắn khi mình bị bệnh.

"Tôi cảm ơn trời đất đã cho tôi bị mắc căn bệnh ung thư quái ác này. Chúng giúp tôi có cơ hội được phát minh ra phương pháp chữa bệnh cho bản thân cũng như cho những người khác", giáo sư Nakamats tâm sự.

Khi mới phát hiện mình bị ung thư, ông Nakamats đã tìm đến mọi ý kiến chuyên môn trên toàn Nhật Bản nhưng kết quả cho thấy cả 2 phương pháp chữa chính là trị xạ và mổ đều không thích hợp cho người đã 87 tuổi như ông. Chính vì vậy, nhà sáng chế này đã tự phát triển nên một phương pháp chữa bệnh riêng vừa lập dị lại vừa điên rồ.

Theo đó, ông Nakamats đang phát triển hàng loạt những dự án như loại thực phẩm siêu năng chống ung thư, loại chè có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, phương pháp sử dụng âm thanh để kích thích khả năng miễn dịch thông qua não bộ hay những con rô bốt nhỏ có thể tự động xử lý các tế bào ung thư trong cơ thể.

Hiện giáo sư Nakamats đã phát minh và đang sử dụng "Gangan Oishii" và "Twentea", một loại thực phẩm và trà có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cũng như góp phần chống ung thư. Ngoài ra, những ý tưởng khác của ông hiện vẫn còn đang được phát triển hoặc trong giai đoạn lý thuyết.

Sản phẩm Twentea của giáo sư Nakamats.
Sản phẩm Twentea của giáo sư Nakamats.

Phát minh bằng cả trái tim và tình yêu thương

Đối với giáo sư Nakamats, phát minh không phải là một sự nghiệp để kiếm tiền hay danh vọng. Ông làm điều này chỉ với niềm đam mê của mình.

"Động lực giúp tôi sáng tạo không ngừng là tình yêu", giáo sư Nakamats cho biết.

Cho dù có rất nhiều phát minh, cả nổi tiếng lẫn dị thường nhưng ông Nakamats vẫn nhớ mãi sản phẩm bơm nhiên liệu (Kerosene Pump) vốn vô cùng phổ biến tại các trạm bơm săng ở Nhật Bản. Ban đầu, phát minh này được truyền cảm hứng khi ông mới 14 tuổi và nhìn thấy người mẹ của mình vất vả đổ sữa đậu nành từ bình 20 lít sang các can nhỏ hơn. Khi đó trời quá lạnh và tay người mẹ của ông Nakamats hằn lên những vết thâm do phải làm việc nặng.

Quá xúc động trước tình cảnh đó cũng như thương người mẹ của mình, ông Nakamats đã nảy sinh ra ý tưởng làm chiếc bơm nhiên liệu để giúp người mẹ của mình có thể làm việc nhà dễ dàng hơn.

Sinh năm 1928 và trải qua thời kỳ Thế chiến thứ II tại Nhật Bản, ông Nakamats đã có một tuổi thơ khá khó khăn. Gia đình của ông khi đó thậm chí không có đủ tiền để mua nhiên liệu sưởi ấm cho căn nhà.

Phát minh đầu tiên của ông Nakamats cũng là vào năm 14 tuổi với sản phẩm ấm nước giữ nhiệt được đăng ký bản quyền
Phát minh đầu tiên của ông Nakamats cũng là vào năm 14 tuổi với sản phẩm ấm nước giữ nhiệt được đăng ký bản quyền.

Cha của ông, Hajime Nakamatsu là một nhân viên ngân hàng còn người mẹ Yoshino Nakamatsu là một gia sư dạy toán và các môn khoa học.

Chính bà Yoshino là người đầu tiên đưa ông đến với khoa học cũng như cổ vũ, hướng dẫn ông trong những phát minh đầu đời. Bà Yoshino là giáo viên dạy ông toán học, vật lý và hóa học khi còn bé cũng như khuyến khích con mình sáng chế và đăng ký bản quyền cho những phát minh đó.

Phát minh đầu tiên của ông Nakamats cũng là vào năm 14 tuổi với sản phẩm ấm nước giữ nhiệt được đăng ký bản quyền. Tiếp sau đó, khu nhà kho chưa bom bỏ hoang sau căn hộ của ông Nakamats được tận dụng làm nơi phát minh những sản phẩm mới.

Quá hứng thú với việc sáng chế, ông Nakamats thi vào khoa kỹ sư của trường đại học Tokyo hàng đầu Nhật Bản và quyết tâm theo con đường chuyên nghiệp.

Theo ông Nakamats, ngoài tình yêu thì điều quan trọng nhất đối với các nhà sáng chế là phải biết kết hợp lý thuyết lẫn thực hành. Rất nhiều nhà phát minh hiện nay chỉ có lý thuyết mà không thực hành, qua đó không thực sự thành công trong lĩnh vực này.

Sau khi làm việc cho tập đoàn Misui-Nhật Bản, ông Nakamats xây dựng công ty riêng và tuyển hơn 100 nhân viên tại Tokyo để giúp mình phát minh.

Một góc văn phòng làm việc của nhân viên làm cho giáo sư Nakamats.
Một góc văn phòng làm việc của nhân viên làm cho giáo sư Nakamats.

"Tại đất nước của tôi, những người sáng tạo thường bị mọi người xa lánh và từ chối. Hầu hết các nhân viên của tôi gặp khó khi kinh doanh ở những lĩnh vực khác tại Nhật Bản. Tuy nhiên, những nhà phát minh thường làm việc tốt nhất nếu họ được tự lập. Nếu bạn làm cùng một ai đó hoặc vay mượn từ chủ nợ, sự tự chủ sáng tạo của bản thân sẽ bị kìm hãm", giáo sư Nakamats nói.

Một trong những phát minh gây tiếng vang nhất tại Nhật Bản của ông Nakamats là thuốc xịt tình dục "Love Jets 69" không gây các tác dụng phụ cũng như tác động hóa học lên cơ thể người như thuốc chứ bệnh liệt dương thông thường Viagra.

Love Jets có khả năng kích thích sinh sản chất DHEA (Dehydro Epiandrosterone) trong cơ thể người. Đây là một loại chất liên tục tăng trưởng trong cơ thể con người cho đến tuổi 25 và bắt đầu giảm xuống chỉ còn 10% khi bước qua tuổi 75.

Sản phẩm Love Jets của giáo sư Nakamats.
Sản phẩm Love Jets của giáo sư Nakamats.

Việc tăng cường chất DHEA trong cơ thể con người có thể giúp tăng cường trí nhớ, phòng chống bệnh loãng xương, tăng sức mạnh cho cơ, chống ung thư cũng như cải thiện hoạt động tình dục của con người.

Giáo sư Nakamats cho biết nguyên nhân chính khiến ông phát triển dòng sản phẩm bán khá chạy này tại Nhật Bản là do tình trạng già hóa dân số cũng như xu thế không ham muốn tình dục ở tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay.

"Love Jets mạnh hơn Viagra 55 lần và giúp hoạt động tình dục thú vị hơn 300 lần. Tôi đã thử sản phẩm này trên 10.000 phụ nữ, tất nhiên là dựa trên các thông số khoa học đo được chứ tôi không làm tình với họ", giáo sư Nakamats vui vẻ nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top