Ấn Độ sẽ bố trí động cơ phản lực của máy bay cũ gần các ống khói nhà máy nhiệt điện để thổi khí thải lên cao, giảm ô nhiễm cho thủ đô.

Các động cơ phản lực của máy bay cũ được bố trí gần các ống khói nhà máy nhiệt điện ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ có thể thổi ra luồng khí có tốc độ lên tới 1.440km/h, tương đương tốc độ âm thanh, đẩy khí thải lên cao hơn, tránh xảy ra hiện tượng khí tượng "đảo ngược nhiệt độ", theo BBC.

Đây là hiện tượng khi lớp không khí ở gần mặt đất nguội đi và bị lớp không khí nóng ở bên trên giữ lại không thoát đi được. Nếu lớp không khí bên dưới bị ô nhiễm, lớp khí nóng sẽ đóng vai trò như một cái "nắp" cản trở khói bụi khuếch tán lên cao.

Theo tính toán, một động cơ phản lực có thể thổi bay khí thải của một nhà máy điện công suất 1000 megawatt. Các nhà khoa học từ Canada và Singapore thực hiện ý tưởng này tin rằng nó sẽ có hiệu quả.

Delhi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Delhi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. (Ảnh: Reuters).

"Ý tưởng này có thể dẫn đến một công nghệ mới giúp giảm thiểu ô nhiễm khắp thế giới", trưởng nhóm nghiên cứu Moshe Alamaro, kỹ sư hàng không kiêm nhà khoa học khí quyển tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, cho biết.

Delhi là nơi lý tưởng cho thí nghiệm này. Thành phố luôn chìm trong một lớp sương mù đặc quánh do đốt pháo hoa, đốt rác và chất thải nông nghiệp cùng với khí thải xe cộ, bụi bặm từ các công trình xây dựng và nhất là từ các nhà máy than nhiệt điện.

Vào mùa đông, tình hình ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Hồi tháng 11/2016, các trường học trong thủ đô phải đóng cửa, các công trình xây dựng tạm dừng, mọi người phải đeo khẩu trang khi ra đường và được yêu cầu làm việc tại nhà.

Ấn Độ lên kế hoạch làm sạch không khí sau khi chỉ số bụi mịn PM 2.5, loại bụi có thể gây tổn thương cho phổi, đo được cao gấp 90 lần mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới và gấp 15 lần mức chính phủ cho phép.

Động cơ phản lực được lắp thí điểm tại các nhà máy nhiệt điện đốt than vì nhiệt điện chiếm hơn 60% sản lượng điện của Ấn Độ. Ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện khiến khoảng 100.000 người Ấn Độ chết sớm và hàng triệu trường hợp mắc bệnh hen suyễn cùng các bệnh về đường hô hấp khác mỗi năm. Khí thải từ một nhà máy nhiệt điện 1.000 megawatt tương đương với khí thải từ 500.000 ôtô.

Minh họa ống xả phản lực đặt trên xe lưu động gần các nhà máy điện.
Minh họa ống xả phản lực đặt trên xe lưu động gần các nhà máy điện. (Ảnh: Alamaro).

Kế hoạch này vẫn còn một số điểm nhược điểm như nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ các động cơ phản lực. Tháng 1/2017, tiến sĩ Alamaro sẽ kết hợp với một số nhà khoa học hàng đầu của Ấn Độ và cộng tác viên từ các cơ quan chính phủ Ấn Độ, thảo luận kế hoạch thí nghiệm nhằm giải quyết vấn đề này. Họ sẽ sử dụng động cơ phản lực cũ của không quân Ấn Độ và Mỹ để thực hiện thí điểm.

Các nhà nghiên cứu nói rằng lo ngại về lượng khí thải từ động cơ phản lực làm ô nhiễm không khí là vô căn cứ, do khí thải này "sạch hơn nhiều so với các nhà máy điện tính trên cùng một đơn vị năng lượng".

Tiến sĩ Alamaro rất lạc quan về tính khả thi của dự án. Ông cho rằng ngoài nhà máy điện, các ống xả phản lực còn có thể bố trí ở gần đường cao tốc để giảm bớt ô nhiễm từ khí thải xe cộ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top