Các nhà khảo cổ Anh vừa tìm thấy 48 bộ xương trong một hố chôn tập thể, có từ thế kỷ 14.

Theo Daily Mail, hơn một nửa trong số 48 bộ xương vừa phát hiện trên là trẻ em. Các bộ xương này do một nhóm nhà khảo cổ thuộc ĐH Sheffield (Vương quốc Anh) phát hiện tại bệnh viện tu viện ở Thornton Abbey, gần Immingham, North Lincolnshire.

Trong số 48 bộ xương đó có bộ xương của cả nam giới lẫn nữ giới và 27 bộ xương của trẻ em. Theo các nhà khảo cổ, điều này cho thấy những người này là nạn nhân của một trận đại dịch. Họ cho rằng số người này qua đời sau trận đại dịch "cái chết đen" hoành hành châu Âu ở thế kỷ 14.

48 bộ xương có liên quan tới nạn dịch hạch "cái chết đen" từ thế kỷ 14 được đánh giá là rất hiếm.
48 bộ xương có liên quan tới nạn dịch hạch "cái chết đen" từ thế kỷ 14 được đánh giá là rất hiếm. (Ảnh: Daily Mail).

Dịch hạch "cái chết đen" là một căn bệnh truyền nhiễm của động vật và con người, do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Bệnh này cũng còn được gọi là dịch hạch Bubonic. "Cái chết đen" tàn phá dân số châu Âu trong thời gian từ năm 1345-1353 với số nạn nhân ước tính là từ 75 triệu đến 200 triệu người.

Daily Mail cho biết các mẫu răng từ các bộ xương đã được gửi tới ĐH McMaster University, Canada để tách chiết ADN cổ đại.

Nhà khảo cổ Hugh Willmott từ ĐH Sheffield cho biết: "Mặc dù con số ước tính hiện nay cho biết lên tới nửa triệu dân số Anh thiệt mạng trong đại dịch "cái chết đen" nhưng ngôi mộ tập thể liên quan tới nạn dịch này là điều cực kỳ hiếm".

TS Willmott cho biết khi đại dịch nổ ra, những người thời xưa thường buộc phải đào các bãi chôn khẩn cấp để xử lý một lượng lớn thi thể của những người qua đời do nạn dịch.

Vi khuẩn Yersinia pestis gây ra "cái chết đen".
Vi khuẩn Yersinia pestis gây ra "cái chết đen". (Ảnh: Daily Mail).

TS Willmott cho biết thêm việc phát hiện 48 bộ xương trên đã giúp đem đến hiểu biết về những khó khăn mà người xưa phải đối mặt khi một cộng đồng nhỏ không được chuẩn bị kỹ càng để đối phó với một trận đại dịch như vậy.

Tuy nhiên, cũng theo ông, việc tìm thấy các bộ xương trên gây kinh ngạc nhưng đó chỉ là đại diện cho phần cuối cuộc đời họ. Trong khi đó, điều chúng ta thực sự quan tâm là cuộc sống của họ trước khi qua đời.

"Một trong những cách chúng ta có thể kết nối với điều đó là thông qua các vật dụng hằng ngày mà họ để lại".

Các mẫu răng từ bộ xương sẽ được đưa đi tách chiết ADN cổ đại.
Các mẫu răng từ bộ xương sẽ được đưa đi tách chiết ADN cổ đại. (Ảnh: Daily Mail).

Ông cho biết: "Một khi các bộ xương trên được khai quật đem về phòng thí nghiệm, chúng tôi sẽ bắt đầu tìm hiểu những người này thực sự là ai. Chúng tôi sẽ xác định liệu họ là nam hay nữ, là trẻ em hay người lớn. Rồi sau đó chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về loại dịch bệnh mà họ đã phải hứng chịu, chẳng hạn như bệnh còi xương. Nhưng nếu đó là dịch hạch, chúng tôi phải nhờ tới phân tích ADN cổ đại".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top