Phóng viên tại Italy dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học vừa công bố trên tạp chí Current Biology cho biết, quá trình phân tích ADN đối với những chiếc răng có niên đại 2.000 năm phát lộ tại các nghĩa trang ở Italy đã cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng bệnh sốt rét đã tồn tại dưới thời Đế chế La Mã.
Kết luận nói trên của các nhà khoa học được đưa ra sau khi họ tiến hành phân tích ADN ty thể được lấy từ những chiếc răng của 58 người lớn và 10 trẻ em tại 3 nghĩa trang thuộc giai đoạn Đế chế La Mã ở Italy. Hai trong số những người lớn ở các nghĩa trang này, vốn có niên đại từ thế kỷ thứ nhất và thứ ba, được cho là đã mắc căn bệnh sốt rét, căn cứ vào ADN của họ.
Sốt rét có thể là một nguồn bệnh chủ yếu trong lịch sử đã gây nên sự chết chóc lan tràn trong thời kỳ La Mã cổ đại.
Nhà nghiên cứu Stephanie Marciniak thuộc Đại học Pennsylvania nói rằng dữ liệu của ông và các đồng nghiệp cho thấy những đối tượng nghiên cứu từng bị mắc những cơn sốt giống như sốt rét dưới thời La Mã và Hy Lạp cổ đại.
Loại ký sinh trùng gây bệnh này nhiều khả năng là ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum hiện nay, vốn lây nhiễm vào cơ thể người trong những môi trường sinh học và văn hóa khác nhau.
Ông Hendrik Poinar, Giám đốc Trung tâm ADN Cổ đại thuộc Đại học McMaster ở Canada và cũng là tác giả của nghiên cứu trên, nhận định bệnh sốt rét có thể là một nguồn bệnh chủ yếu trong lịch sử đã gây nên sự chết chóc lan tràn trong thời kỳ La Mã cổ đại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa biết nhiều về bệnh sốt rét dưới thời Đế chế La Mã, chẳng hạn như không rõ liệu bệnh này là tự phát tại chỗ hay du nhập từ bên ngoài. Bằng chứng ADN đầu tiên về bệnh sốt rét dưới thời La Mã cổ đại đã từng được phát hiện trong xương của một đứa trẻ ước tính có niên đại 1.500 năm.
Hiện mỗi năm, bệnh sốt rét gây tử vong cho gần 450 nghìn người trên thế giới, trong đó đa số là trẻ em dưới 5 tuổi.
Post a Comment