Hóa thạch động vật có xương sống đầu tiên đi lại trên đất liền khoảng 355 triệu năm trước đây được tìm thấy tại Scotland.

Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, Anh, phát hiện hóa thạch của những con vật được cho là loài động vật có xương sống bốn chân đầu tiên đi lại trên đất liền tại Scotland. Chúng là tổ tiên của chim, động vật có vú và bò sát hiện đại, sống cách đây khoảng 355 triệu năm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature hôm 5/12.

Hình ảnh phác họa những con vật đầu tiên đi lại trên đất liền tại Scotland.
Hình ảnh phác họa những con vật đầu tiên đi lại trên đất liền tại Scotland. (Ảnh: Mark Witton).

Theo Red Orbit, nhóm nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 5 hóa thạch hoàn toàn nguyên vẹn, với nhiều mảnh xương chưa được phân loại. Một số hóa thạch trông giống thằn lằn hoặc sa giông, một số lớn hơn ngang bằng với kích thước của cá sấu.

"Chúng tôi đã khám phá một phần quan trọng trong câu chuyện tiến hóa của sự sống trên đất liền", BBC dẫn lời Jennifer Clack, thành viên nhóm nghiên cứu.

Nick Fraser, chuyên gia làm việc tại Bảo tàng Scotland, cho biết những con vật có xương sống đầu tiên đã chuyển từ dưới nước lên sống trên đất liền tại khu vực ngày nay là Scotland. Ngoài ra, nhiều hóa thạch tương tự có thể xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới nhưng chưa được khám phá.

Khoảng 360 triệu năm trước, rất nhiều dạng sống bị tiêu diệt sau sự kiện đại tuyệt chủng toàn cầu. Sau đó 15 triệu năm là khoảng thời gian quan trọng để hình thành động vật có xương sống bốn chân, nhưng giới khoa học trước đây bị thiếu dữ liệu hóa thạch. Do đó, chúng ta biết rất ít về cách thức những con vật như cá phát triển thêm các chi để đi lại trên đất liền.

"Giống như việc Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng là bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại, những bước đi đầu tiên trên đất liền của động vật có xương sống là bước tiến lớn cho sự tiến hóa trong tương lai của động vật sống trên cạn", Fraser nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top