Sáng nay 2/12 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (Vicem) phối hợp báo Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức Diễn đàn Kinh tế 2017 với chủ đề "Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020".
Đến dự Diễn đàn có ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (VICEM), Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng TM và CNVN (VCCI), ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư), ông Nguyễn Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), lãnh đạo các cty Traphaco, SCIC, DATC, ngân hàng BIDV... cùng nhiều diễn giả, chuyên gia, nhà đầu tư khác.
Diễn đàn chia làm 2 chủ đề:
Chủ đề "Tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại và mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020" tập trung giải quyết một số vấn đề chính như chương trình tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 và triển vọng kinh tế trong 5 năm tới, phân bổ hợp lý nguồn lực giữa DN Nhà nước và DN tư nhân, làm sao thúc đẩy đầu tư tư nhân?....
Chủ đề " Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước như thế nào?" tập trung phân tích thực trạng cổ phần hóa DN Nhà nước trong 3 năm tái cơ cấu vừa qua, mục tiêu tái cơ cấu DN Nhà nước 5 năm tới, tiến độ thoái vốn các doanh nghiệp lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng, vai trò của DN tư nhân trong tái cơ cấu, vấn đề nới room ngoại tại DN Nhà nước...
Một trong những vấn đề trọng tâm được nhiều diễn giả đề cập trong Diễn đàn là làm sao gỡ khó cho khối DN tư nhân - khối kinh tế mà theo ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) là "động lực chính của quá trình tái cơ cấu kinh tế".
Ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, chia sẻ tại Diễn đàn: Hiện nay khoảng 58% DN tư nhân không có thu nhập chính thức để nộp thuế (không có lãi), trong 10 đồng xuất khẩu thì khoảng 7 đồng là thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Do vậy "phải làm cho khối DN tư nhân mạnh lên" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới, theo ông Tuấn.
Một vấn đề cấp bách gây nóng diễn đàn nữa là những cơ hội và (chủ yếu là) thách thức đối với tái cơ cấu DN Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Thách thức lớn nhất - theo ông Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) là làm thế nào có thể "tái cơ cấu đi vào thực chất", chứ không chỉ chạy theo số lượng như các năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế 5 năm tới còn nhiều vấn đề chưa lường trước được.
Vinh Phan
Post a Comment