Ảnh minh họa |
Để rộng đường dư luận, ANTT.VN đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp (Cty Luật Đại Phúc, Đoàn Luật sư Hà Nội) để làm rõ vấn đề trên.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính không có thẩm quyền yêu cầu TCHQ dừng thông quan với một lô hàng cụ thể, ý kiến này đúng hay sai?
- Theo quan điểm của tôi, về quản lý nhà nước, Tổng cục Hải quan là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính. Do đó trong quá trình thanh kiểm tra, Bộ Tài chính phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khai báo hải quan của doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là Cty CP ô tô Âu Châu thì Bộ Tài chính hoàn toàn có thể yêu cầu Tổng cục Hải quan đình chỉ thông quan đối với việc xuất nhập khẩu các lô hàng của doanh nghiệp để thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật của doanh nghiệp.
Tại công văn gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nêu rõ: Cty tự ý tiêu thụ hàng hóa (ô tô BMW nhập khẩu) khi chưa được cơ quan thông quan đồng thời cố ý không cung cấp C/O, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng. Theo ông dấu hiệu như vậy có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự hay chưa?
- Về vấn đề này, cần phải có hồ sơ, tài liệu đầy đủ mới có thể nói được, tuy nhiên nếu tìm hiểu trên trang web chính thức của BMW tại địa chỉ BMWAG.com (BMW AG là Hãng chính của BMW tại Đức), thì thấy Cty CP ô tô Âu Châu (Euo Auto) không có tên trong danh sách BMW dealer (nhà phân phối của BMW) mà chỉ được cấp phép đủ tiêu chuẩn sửa chữa, bảo dưỡng cho dòng xe BMW. Vì thế việc Bộ Tài chính sau khi xác minh có cơ sở cho thấy Cty này gian lận, lừa dối khách hàng và có công văn đề nghị TCHQ làm việc với VKS để xem xét khởi tố đối với những vi phạm của Cty này là hoàn toàn đúng pháp luật.
Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp |
Vậy C/O có ý nghĩa gì mà Bộ Tài chính đưa ra làm căn cứ đề xuất TCHQ dừng nhập khẩu lô hàng xe ô tô BMW?
- C/O là chữ viết tắt của từ Certificate of Origin hay còn gọi là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Đây là văn bản do tổ chức thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá cấp dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó. C/O nêu rõ tên người mua, bán, chủng loại hàng hóa, thông tin cơ bản của hàng hóa và được chứng nhận của nhà sản xuất. Có thể hiểu C/O là Hộ chiếu của phương tiện khi xuất cảng ra nước ngoài. Việc kiểm soát C/O rất quan trọng bởi lẽ C/O sẽ giúp cơ quan quản lý xuất nhập khẩu (trong đó có hải quan) xác định hàng hoá nhập khẩu có được các ưu đãi về thuế hay không đồng thời kiểm soát được việc thực hiện các chính sách quản lý chuyên ngành.
Điển hình là hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước hoặc nhóm nước cùng là thành viên. Trong một số trường hợp, việc kiểm soát C/O của hàng hoá nhập khẩu hỗ trợ đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng. Đó là hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.
Ngoài ra đối với mỗi quốc gia, việc kiểm tra, kiểm soát C/O còn hỗ tích cực cho các cơ quan quản lý thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm bảo hộ cho nền sản xuất trong nước. Đối với người tiêu dùng việc kiểm tra C/O càng quan trọng hơn bởi đó chính là quyền lợi người tiêu dùng cần được biết mình đang sử dụng sản phẩm có nguồn gốc như thế nào. Tôi ví dụ chúng ta đã chứng kiến nhiều ca ngộ độc do ăn phải thực phẩm bẩn, độc hại không rõ nguồn gốc được nhập lậu qua đường tiểu ngạch nhưng sau đó dán mác Châu Âu, Mỹ, nguyên do là chúng ta không kiểm tra được C/O của hàng hóa.
Đối với trường hợp cụ thể này, việc kiểm tra C/O sẽ biết rõ Cty CP ô tô Âu Châu có nhập khẩu xe từ chính hãng BMW hay không hay nhập xe trôi nổi trên thị trường thế giới. Ngoài ra, kiểm tra C/O còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng nhận thời gian bảo hành, lưu hành của phương tiện. Ví dụ khi phương tiện trong quá trình sử dụng không may xuất hiện hỏng hóc cần bảo trì bảo dưỡng thì khi đưa vào xưởng được Hãng ủy quyền sẽ được bảo hành tại bất kì quốc gia nào trên thế giới. Hoặc ngay trong thời gian sử dụng mà chủ xe có nhu cầu bán xe thì C/O sẽ là cơ sở quan trọng để định giá xe cũng cũng như xác định nguồn gốc của xe giữa hai bên.
Theo công văn của Bộ Tài chính gửi TCHQ thì, Cty CP ô tô Âu Châu cố ý không cung cấp C/O đã cho thấy có nghi vấn về việc không minh bạch đối nguồn gốc hàng hóa đối với khách hàng. Nếu như nghi vấn này có cơ sở thì đây sẽ là vụ án rất nghiêm trọng liên quan trực tiếp cả đến quyền lợi của nhà nước như thất thu thuế và người tiêu dùng như đáng lẽ với số tiền đó mua được xe mới, xe chính hãng thì Euro Auto lại cung cấp xe trôi nổi, qua sử dụng. Vì vậy rất cần các cơ quan làm rõ vấn đề này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xin trân trọng cảm ơn luật sư
Vinh Phan (thực hiện)
Post a Comment