Hóa thạch của thương long, một loài bò sát biển giống cá heo sống ở thời khủng long, được tìm thấy với chiếc răng của kẻ thù cắm trên mặt.

Các nhà cổ sinh vật học Mỹ phát hiện một hóa thạch của thương long (mosasaur) với chiếc răng cắm trên mặt, dấu tích lưu lại từ một cuộc tấn công, Fox News hôm 28/10 đưa tin.

"Mẫu vật cho thấy bằng chứng trực tiếp và rõ ràng về vết cắn không gây tử vong giữa những con thương long", Takuya Konishi, trợ lý giáo sư ở Đại học Cincinnati, Ohio, báo cáo tại cuộc họp thường niên lần thứ 76 của Hiệp hội Cổ sinh vật học Động vật có xương sống.

Một công ty khai thác mỏ phát hiện mẫu vật thương long dài 6,4m ở phía nam Alberta, Canada năm 2012 và thông báo cho Bảo tàng cổ sinh vật học Royal Tyrrell. Các nhà nghiên cứu ở bảo tàng dành hai năm làm sạch hóa thạch. "Trong suốt thời gian đó, đặc điểm hình dáng độc đáo của mẫu vật trở nên rõ ràng. Nó có một chiếc răng của con thương long khác cắm ở hàm dưới. Tất cả chúng tôi đều kinh ngạc và bắt đầu nghiên cứu nó", Konishi nói.

Hai con thương long có thể giao chiến giành quyền ghép đôi.
Hai con thương long có thể giao chiến giành quyền ghép đôi. (Ảnh minh họa: Tumblr).

Hóa thạch thương long 74,8 triệu năm tuổi có đầy đủ khớp, có nghĩa toàn bộ xương của nó được bảo quản tại nơi tìm thấy. Phân tích giải phẫu và chụp cắt lớp trên máy vi tính chỉ ra con vật thuộc loài Mosasaurusgenus, Konishi cho biết.

Dấu vết của cuộc tấn công bao gồm ba thương tích và chiếc răng lưu lại, có thể quan sát rõ ở nửa trái mặt con vật. Cả ba vết thương đều có dấu hiệu tái tạo lại xương, chứng tỏ con thương long vẫn sống sót sau vụ tấn công và hồi phục trước khi chết.

Tuy nhiên, có hai loài thương long sống trong khu vực tìm thấy mẫu vật và lúc đầu các nhà nghiên cứu chưa rõ chiếc răng thuộc về loài nào. Thương long họ Prognathodon có hàm răng khỏe, có thể nhai được mai rùa nên chúng khó bị gãy răng trong lúc tấn công con khác, Konishi suy đoán.

Ngược lại, thương long họ Mosasaurus có nhiều khả năng gây ra vụ tấn công hơn bởi loài này có những chiếc răng dài nhọn và dễ gãy. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về những vết cắn ở nửa mặt còn lại, cho thấy thủ phạm tấn công con vật từ phía bên dưới.

Theo Konishi, cuộc chiến giữa hai con thương long có thể do cạnh tranh giành quyền giao phối. Thương long có họ với loài thằn lằn có vảy. Tuy thương long đã tuyệt chủng, loài họ hàng xa của chúng là quái vật gila (Heloderma suspectum) nổi tiếng với những cuộc chiến giành con cái. Quái vật gila đực thường cắn dưới họng đối thủ để ngăn kẻ thù cắn trả.

"Có thể con thương long để lại chiếc răng trên mẫu vật cũng sử dụng chiến thuật tương tự với lực cắn từ một bên hàm, đủ mạnh để đánh bại kẻ thù nhưng không giết chết nó", Konishi kết luận.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top