Các nhà khoa học Thụy Điển phát hiện nước lỏng tồn tại ở hai dạng riêng biệt khác nhau về cấu trúc và mật độ phân tử.

Nước lỏng tồn tại ở hai dạng lỏng hoàn toàn khác nhau
Nước lỏng tồn tại ở hai dạng lỏng hoàn toàn khác nhau. (Ảnh: Đại học Stockholm.)

Trong báo cáo công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) hôm 31/5, nhóm nghiên cứu tại Đại học Stockholm, Thụy Điển, phát hiện nước tồn tại ở hai dạng lỏng riêng biệt, mỗi dạng có sự khác nhau lớn về cấu trúc và mật độ phân tử, theo Science Alert.

Nhóm nghiên cứu sử dụng hai loại hình ảnh X-quang để theo dõi sự di chuyển và khoảng cách giữa các phân tử H2O, khi nước chuyển từ trạng thái lỏng vô định hình, lỏng đông lạnh sang lỏng nhớt và một số kiểu khác. Họ phát hiện nước lỏng không chỉ tồn tại ở một dạng duy nhất mà luân chuyển giữa hai dạng khác nhau, mật độ cao và mật độ thấp.

"Nước ở nhiệt độ phòng không thể tự quyết định nó nên ở dạng nào, mật độ cao hay thấp, dẫn đến sự dao động giữa hai dạng này. Nước không phải là một chất lỏng phức tạp, mà là hai dạng chất lỏng đơn giản nhưng có một mối quan hệ phức tạp", Lars GM Pettersson, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Hầu hết chúng ta được dạy ở trường học rằng, nước tồn tại ở ba trạng thái khác biệt bao gồm rắn, lỏng và hơi nước. Nhưng nước không đơn giản như vậy, nó còn có thể tồn tại trong một trạng thái tương tự plasma. Các nhà khoa học xác định được 70 đặc tính của nước lỏng hoàn toàn khác biệt so với những chất lỏng khác mà chúng ta biết.

Ý tưởng của nhóm nghiên cứu xuất phát từ thực tế đó là băng đá có thể tồn tại ở dạng mật độ cao và mật độ thấp. Họ nghi ngờ rằng nước lỏng cũng mang đặc tính tương tự nên quyết định nghiên cứu để tìm hiểu chính xác những điều suy đoán. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả của một nghiên cứu. Các nhóm khoa học độc lập khác cần phải xác minh kết quả trước khi kiến thức mới được đưa vào sách giáo khoa.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top