Mấy ngày qua, giới kiến trúc chúng tôi đều bàn tán xôn xao về bản vẽ thiết kế của một cụm công trình văn hóa và nhà hát opera tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một công trình với kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng của Việt Nam và nổi danh toàn thế giới như nhà hát Opera Sydney.

Có lẽ, câu chuyện chẳng đi xa như thế nếu không có 6 bông hoa sen khổng lồ cắm vào cụm công trình một cách phi lý và buồn cười. Trong mắt tôi và hàng triệu người Việt, hoa sen luôn đẹp hoàn mỹ, đẹp hài hòa trong từng centimet, tỉ lệ và màu sắc đều đạt mức hoàn hảo. Nhưng, khi phóng đại hoa sen lên gấp nhiều lần thì lẽ dĩ nhiên, sự hài hòa sẽ hoàn toàn tỉ lệ nghịch với sự khổng lồ của kích thước. Sự thanh tịnh và bình yên của hoa sen được thay thế bởi một cảm giác bức ép và phô trương lố bịch của những khối vật liệu to tướng giả làm hoa sen.

Trong nghệ thuật nói chung, thủ pháp tả thực thường chỉ dành cho những bộ môn nghệ thuật chỉ có mục đích nhìn ngắm như nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc,… nhưng để có thể chạm đến cảm xúc của con người thì rất khó. Còn trong nghệ thuật kiến trúc nói riêng, thủ pháp tả thực thường chỉ được sinh viên năm nhất hoặc năm hai sử dụng, vì sự non nớt trong thiết kế cũng như tư duy kiến trúc. Việc cố gắng sao chép hình dáng thực của hoa sen với một tỉ lệ khổng lồ mà hoàn toàn không có công dụng đáng kể gì như vậy, thực sự là một sự lãng phí khủng khiếp.

Thực ra, ở Việt Nam không phải chưa từng có công trình nào lấy cảm hứng thiết kế từ hoa sen. Có thể lấy một ví dụ rất nổi tiếng là Chùa Một Cột, một đóa sen cách điệu theo tỉ lệ hoàn hảo. Nhìn vào Chùa Một Cột, chúng ta chỉ thấy một ngôi chùa nhỏ với những vách gỗ vuông vức, mái cong đầu đao, đẹp dung dị mà trang nghiêm, công năng sử dụng được đảm bảo, mà tính thẩm mỹ cũng được đẩy lên cao nhất.

Nói thêm về công trình nhà hát Opera Sydney, rõ ràng sự nổi tiếng của nó phần nhiều đến từ lớp vỏ bao che đầy tính thẩm mỹ. Nhưng không ai có thể dám chắc lớp vỏ đó mô phỏng cái gì, vỏ sò hay các cánh buồm căng gió? Chính sự ẩn dụ, sự cách điệu mơ hồ ấy tạo nên vẻ đẹp cho công trình. Vì xét cho cùng, đối với một công trình kiến trúc, điều quan trọng nhất là phải có sự tiện nghi thoải mái và những cảm xúc dễ chịu cho người sử dụng. Còn nếu chỉ để tả thực nhằm tôn vinh một hình ảnh nào đó, thì chỉ nên xây tượng đài, đừng xây công trình kiến trúc để tránh sự lãng phí kèm theo những khó chịu không cần thiết.

Một người anh kiến trúc sư rất có tiếng của tôi đã nhận xét chua chát rằng, công trình nhà hát Opera Hoa sen khiến anh liên tưởng đến một tháp bánh cúng khổng lồ.

Còn tôi, tôi có một nỗi buồn vất vưởng trong lòng khi biết, ở Việt Nam có rất nhiều kiến trúc sư tài giỏi đủ sức thiết kế một công trình to lớn tầm cỡ quốc tế, đẹp hơn và có thể với chi phí rẻ hơn, nhưng lại chẳng được gọi tên. Và quan trọng hơn, nếu các kiến trúc sư là người Việt thì có thể dễ dàng nắm được thế nào là nét hồn Việt. Khi ấy, vẻ đẹp thanh cao của hoa sen sẽ được đưa vào công trình một cách duyên dáng hơn rất nhiều. Chứ không phải như những kiến trúc sư Úc châu, tài giỏi nhưng chưa hiểu ý nghĩa của Quốc hoa, nên chỉ biết phóng đại kích thước hoa sen rồi cắm vào công trình như thế. Thật tiếc lắm…

Xem thêm:

Hanoi Lotus: Rối mắt và thiếu an toàn

Hà Nội: Tranh cãi về thiết kế của nhà hát Opera tiêu chuẩn quốc tế

Kiến trúc sư Nguyễn Thị Ngọc Anh

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top