Một đội ngũ nghiên cứu tại châu Âu vừa mới tìm ra rằng ấu trùng của những côn trùng thông thường có khả năng bẻ gãy cấu trúc phân tử nhựa trong các túi nilon.
Các nhà khoa học thuộc Viện Y sinh và Công nghệ sinh học Cantabria (Tây Ban Nha) đã phát hiện, loài sâu sáp chuyên gây hại cho các tổ ong có khả năng ăn rác thải nhựa đáng kinh ngạc. Theo kết quả nghiên cứu, 100 con sâu có thể nhai hết 92mg nhựa trong khoảng 12 giờ, khiến túi siêu nhẹ chỉ còn lại những mảnh vụn. Chúng phân tách nhựa thành Ethylene Glycol, một chất chống đông. Thậm chí, sâu này còn thải ra một loại cồn trong suốt không gây hại cho môi trường.
Ấu trùng bướm sáp. |
Theo Sky News, những người nuôi ong tại châu Âu thường căm ghét loài sâu sáp vì chúng hay phá hoại và đục thủng lỗ trên các tổ ong. Tuy nhiên, loài sâu sáp đáng ghét này lại có thể giúp chúng ta giải quyết được những núi rác thải làm từ nhựa đang ngày một cao thêm.
Nhưng ngoài khả năng phá hoại sáp ong này, theo nghiên cứu mới được đăng tải trên Current Biology, thì những con sâu bướm này có thể phá được cả cấu trúc của nhựa. Điều này cũng không phải là ngẫu nhiên, khi mà quá trình hóa học để tiêu hóa sáp ong và nhựa đều như nhau. Phát hiện này đã làm các nhà nghiên cứu vô cùng hứng thú, khi ta có thể dựa vào nó để phát triển công nghệ sinh học xử lý được rác thải nhựa đang tràn ngập bề mặt Trái Đất.
Hiểu thêm về cách những con sâu sáp tiêu hóa nhựa có thể giúp chúng ta tìm ra được một biện pháp sinh học để giải quyết bài toán rác thải làm từ nhựa, nguồn ô nhiễm môi trường chính hiện nay. |
Cụ thể, Federica Bertocchini, một người nuôi ong kiêm nhà nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Sinh học tại Cantabria (Tây Ban Nha) đã vô tình phát hiện ra khả năng ăn rác thải làm từ nhựa vô cùng ấn tượng của loài sâu sáp. Trong quá trình chăm sóc tổ ong, cô Bertocchini đã bắt được một số con sâu sáp và bỏ chúng vào trong chiếc túi nhựa. Chỉ một thời gian ngắn sau, cô Bertocchini đã thấy chiếc túi nhựa của mình có nhiều lỗ thủng vì bị các con sâu sáp ăn.
Một bài kiểm tra tiếp theo đã được Đại học Cambridge (Anh) tiến hành bằng cách bỏ 100 con sâu sáp vào trong một chiếc túi siêu thị làm từ nhựa. Các nhà khoa học nhận thấy những lỗ thủng đã xuất hiện trên chiếc túi nhựa chỉ sau 40 phút và sau 12 giờ, 92 mg nhựa đã bị lũ sâu ăn hết.
Các nhà khoa học kì vọng phát hiện mới đây về sở thích ăn nhựa của một loài sâu sáp có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải làm từ nhựa đang khiến nhiều quốc gia đau đầu. |
Mỗi năm, con người sử dụng hàng nghìn tỉ túi nylon và hàng trăm triệu tấn nhựa. Trong đó theo thống kê, ít nhất 8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra ngoài môi trường mỗi năm. Giải quyết được số nhựa này là một bài toán không đơn giản trong khi chúng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt với các sinh vật sống trong lòng đại dương.
Trang Vũ (Tổng hợp)
Post a Comment