Sau một thời gian khảo sát chi tiết, từ giữa tháng 47, nhóm chuyên gia Ấn Độ và cộng sự người Việt Nam bắt đầu thực hiện đợt cao điểm khai quật và trùng tu tháp K, tháp H trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Trong đợt trùng tu lớn lần này, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam hết sức bất ngờ khi phát hiện một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất.
Con đường cổ và hai bờ tường dẫn mới vừa phát lộ có điểm xuất phát từ phía sau tháp K nhưng kéo dài đến đâu và được xây dựng trong thời kỳ nào thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với các chuyên gia.
Một phần đoạn đầu của đường cổ và hai bờ tường dẫn sau tháp K mới vừa phát lộ. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/Vietnam+).
Bên cạnh đó các chuyên gia còn phát hiện nhiều hiện hiện vật có giá trị như hai tượng đá mình người, đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ, được xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức vào thế kỷ XI đến thế kỷ XII.
Tuyến đường cổ vừa phát lộ tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có điểm đầu tại chân tháp K hay còn gọi là tháp Cổng, còn điểm cuối thì chưa thể xác định được, song các chuyên gia nhận định, có thể điểm cuối của con đường này là nơi dẫn vào khu vực hành lễ tại trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn đã bị thời gian vùi lấp sâu dưới lòng đất.
Bước đầu các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam nhận định, đây có thể là con đường dành riêng cho hoàng gia và các thành viên trong hoàng tộc cũng như các vị chức sắc tôn giáo trong mỗi dịp tổ chức hành lễ tại Thánh địa Mỹ Sơn.
Một phần đoạn đầu của đường cổ và hai bờ tường dẫn sau tháp K mới vừa phát lộ. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/Vietnam+).
Anh B. Kumar - Kỹ sư, nhà khảo cổ học Ấn Độ, Trưởng nhóm trùng tu tôn tạo Di sản Mỹ Sơn cho biết khi bắt đầu khai quật khu vực tháp K khoảng 15m để thực hiện việc gia cố cho tháp, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã sửng sốt khi phát hiện ra dấu tích của một con đường cổ. Ngay lập tức, trưởng nhóm cùng các cộng sự đã quyết định cho khai quật tiếp 15m kể từ phía sau chân trụ tháp K nhằm mục đích tìm hiểu xem điều gì bị vùi lấp dưới lòng đất tháp cổ.
Sau khi thực hiện các quyết định khai quật, các chuyên gia đã vô cùng ngạc nhiên về sự hoành tráng của con đường và hệ thống bờ tường dẫn khéo léo, đẹp mắt được xây dựng bằng một thứ vật liệu đặc trưng Mỹ Sơn là đất nung và phụ gia kết dính đặc biệt.
Một phần đoạn đầu của đường cổ và hai bờ tường dẫn sau tháp K mới vừa phát lộ. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/Vietnam+)
Theo quan sát của phóng viên, tuyến đường cổ vừa mới phát lộ từ phía sau tháp K rộng 8m, nằm giữa 2 bờ tường dẫn song song với nhau. Bờ tường dẫn mỗi bên rộng 0,6m, móng tường dẫn nằm sâu cách mặt đất khoảng 1m và được xây bằng gạch một cách chắc chắn, nhiều đoạn tường dẫn còn khá nguyên vẹn, trông rất đẹp mắt.
Anh Lê Việt Thắng, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thành viên của nhóm trùng tu tôn tạo Di sản Mỹ Sơn cho biết việc phát hiện ra con đường và tường dẫn từ phía sau chân tháp K và có thể kết thúc tại khu vực hành lễ trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn là một phát hiện hết sức mới mẻ và thú vị, chứa đựng nhiều giá trị về khảo cổ học.
Để bảo tồn di sản quý giá, trong đợt trùng tu này, thay vì chỉ thực hiện một việc là trùng tu tháp K, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thống nhất phương án cùng lúc thực hiện song song hai nhiệm vụ là vừa trùng tu chống đổ ngã cho tháp K, vừa trùng tu, bảo tồn đoạn đầu của con đường và hai tường dẫn khoảng 50m.
Phần còn lại của con đường cổ và hai bờ tường dẫn hiện vẫn còn ẩn chìm trong lòng đất Mỹ Sơn vốn chứa nhiều bí ẩn.
Post a Comment