TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết quy trình chạy thận an toàn trải qua rất nhiều khâu. Bệnh nhân trước khi chạy thận nhất là những người lần đầu tiên điều trị bằng phương pháp này phải chuẩn bị từ vài tuần tới vài tháng.
Trước khi được chạy thận, bệnh nhân phải được tiếp cận mạch máu (a vascular access). Bác sĩ sẽ dùng kim dẫn một lượng nhỏ máu ra ngoài cơ thể, chạy tới máy chạy thận và từ máy chạy thận chạy lại vào trong cơ thể thông qua một cây kim khác. Vùng được đưa kim vào cần được hồi phục hoàn toàn trước khi việc chạy thận bắt đầu.
Hiện nay, có 3 cách tiếp cận mạch máu, qua lỗ thông động tĩnh mạch (Arteriovenous (AV) fistula), qua ống thông nối động - tĩnh mạch nhân tạo (AV graft), đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm.
“Khâu chuẩn bị trước chạy thận tiến hành rất kỹ như cân nặng của bệnh nhân, huyết áp, mạch, nhiệt độ có đủ điều kiện để tiến hành phương pháp này hay không. Nếu bệnh nhân đủ điều kiện, bác sĩ sẽ tiến hành khử trùng vùng tiếp cận máu”, TS.Bs Trương Hồng Sơn nói.
Trong khi chạy thận, bệnh nhân được đưa vào vùng tiếp cận mạch máu 2 cây kim. Mỗi cây kim sẽ được nối với một ống đàn hồi và nối với máy chạy thận. Thông qua một ống, máy chạy thận sẽ lọc một vài ml máu một lần, cho phép chất thải và chất lỏng từ máu đi vào một chất lỏng làm sạch được gọi là chất thẩm tách (dialysate). Máu được lọc sẽ trở lại cơ thể thông qua ống thứ hai.
Bệnh nhân đang được lọc thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: HQ).
TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết với người chạy thận dưới 3 lần/tuần, khi máu chạy ra khỏi cơ thể có thể sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng, việc này có thể được điều chỉnh bằng cách yêu cầu bác sĩ điều chỉnh tốc độ lọc máu, loại thuốc hoặc loại chất thẩm tách sử dụng. Trong quá trình chạy thận, huyết áp và nhịp tim thay đổi rất nhiều, yêu cầu bác sĩ phải theo dõi sát sao.
Sau khi chạy thận xong, bệnh nhân được rút hai kim ra khỏi tiếp cận mạch máu và băng lại. Người bệnh sẽ được cân lại một lần nữa sau đó có thể trở về nhà sinh hoạt bình thường, đợi đến lần chạy thận tiếp theo.
Quá trình thực hiện phương pháp này luôn cần có sự giám sát của bác sĩ để xử lý những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Bệnh nhân nào sẽ phải chạy thận?
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân thận mạn tính và tổn thương thận cấp (suy thận cấp). Những bệnh lý này khiến thận mất khả năng lọc và loại bỏ lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể. Chạy thận nhân tạo, hay còn gọi là lọc máu, là một trong những cách điều trị tình trạng suy thận.
Cách này làm giúp loại bỏ các chất cặn bã như ure ra khỏi máu, lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, duy trì sự cân bằng điện giải. Đây là những chức năng một quả thận đang mắc bệnh lý không thể làm được.
Khi bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng sau sẽ được chỉ định chạy thận:
- Xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng ure (uremic syndrome) như buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi.
- Tăng kali máu.
- Có dấu hiệu cho thấy thận không đủ khả năng loại bỏ lượng dịch thừa ra khỏi có thể như bị phù.
- Tăng axit máu.
- Viêm màng ngoài tim.
“Chạy thận nhân tạo có thể được chỉ định cho một số trường hợp ngộ độc cấp, trước khi thận mất hoàn toàn chức năng và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng”, TS Sơn cho hay.
Quá trình thực hiện phương pháp này có thể xảy ra những tai biến như tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn, nôn, nhức đầu, đau ngực, ngứa và ớn lạnh. Biến chứng ít gặp hơn là hội chứng mất cân bằng, phản ứng dị ứng (phản ứng màng lọc), rối loạn nhịp tim, chèn ép tim…
Lưu ý khi chạy thận nhân tạo để lọc máu.
Post a Comment