Núi băng trôi lớn nhất từng được phát hiện chỉ còn kết nối với phần còn lại của Nam Cực bằng rẻo băng dài 19km, có thể bị tách ra bất cứ lúc nào.
Một trong những núi băng trôi lớn nhất thế giới đang ở tình thế "treo sợi tóc". Các nhà khoa học cho biết vết nứt ở rìa thềm băng Larsen C đang lan rộng, khiến núi băng trôi khổng lồ chỉ còn kết nối rất lỏng lẻo với phần còn lại của Nam Cực, có thể bị tách ra bất cứ lúc nào, Mirror ngày 2/5 đưa tin.
Một nhánh nứt phụ ở rìa thềm băng Larsen C.
Cuối năm ngoái, vết nứt tại thềm băng Larsen C đột nhiên tăng thêm khoảng 17km, tạo điều kiện hình thành núi băng mới có diện tích hơn 4.920km2, tương đương kích cỡ bờ biển phía nam xứ Wales. Hiện chỉ còn một rẻo băng dài 19km kết nối Larsen C với núi băng trôi.
Vết nứt chính tiếp tục lớn dần từ đầu năm nay, hiện nó dài khoảng 178km. Dữ liệu vệ tinh cho thấy nhánh thứ hai của vết nứt đang tiến về phía cạnh tảng băng. Khi núi băng vỡ ra, nó sẽ trở thành một trong những khối băng trôi lớn nhất từ trước tới nay được ghi nhận.
Vết nứt ở rìa thềm băng Larsen C nhìn từ trên cao. (Ảnh: NASA).
Đây là thay đổi đáng kể đầu tiên của vết nứt từ tháng 2 năm nay. Tuy độ dài của vết nứt đã ổn định trong vài tháng qua, nó lại đang mở rộng liên tục với tốc độ hơn 1m/ngày, nơi rộng nhất lên tới gần 500m.
Khi núi băng này tách ra, thềm băng Larsen C sẽ mất hơn 10% diện tích của nó, đánh dấu sự thay đổi không nhỏ trên địa hình khu vực Nam Cực, các nhà khoa học cảnh báo.
Post a Comment