Loài khủng long ăn cỏ Galeamopus pabsti với kích thước đồ sộ có thể dùng đuôi để đánh đuổi những con khủng long ăn thịt nguy hiểm.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí PeerJ, nhà cổ sinh vật học Emanuel Tschopp của Đại học Turin, Italy mô tả về loài khủng long ăn cỏ mới được phát hiện tên là Galeamopus pabsti sống cách đây 150 triệu năm ở kỷ Jura, có kích thước đồ sộ đến mức không loài nào có thể ăn thịt được chúng, Seeker ngày 3/5 đưa tin.
Hình ảnh phục dựng về loài khủng long Galeamopus pabsti sống ở kỷ Jura tại Wyoming, Mỹ. (Ảnh: phys.org).
Khủng long Galeamopus pabsti trưởng thành có thể đạt chiều dài trên 20m, nặng hơn 15 tấn. Chúng sở hữu đôi chân to như thân cây và chiếc đuôi dài, có thể quật với sức mạnh khủng khiếp để tạo ra tiếng xé gió xua đuổi những con thú ăn thịt. Những con khỏe mạnh gần như nằm trên đỉnh của chuỗi thức ăn, chỉ những con già yếu mới trở thành bữa ăn của khủng long ăn thịt.
"Dấu răng trên xương khủng long Galeamopus pabsti cho thấy khủng long ăn thịt to lớn như Allosaurus và Ceratosaurus chỉ ăn những con đã chết, con chưa trưởng thành hay ốm yếu", Tschopp cho biết.
Các nhà nghiên cứu xác định Galeamopus pabsti thuộc họ khủng long Diplodocidae, không thông minh vì bộ não rất nhỏ so với kích thước cơ thể. Mức độ ảnh hưởng của kích thước bộ não tới độ thông minh chưa được làm rõ.
Nghiên cứu mới dựa trên những phân tích bộ xương hóa thạch của loài này được nhà cổ sinh vật học Thụy Sĩ Ben Pabst khai quật vào năm 1995. Galeamopus pabsti từng sống ở khu vực ngày nay là bang Wyoming và Colorado, Mỹ.
Bộ xương của Galeamopus pabsti hiện được trưng bày ở Bảo tàng Aathal Dinosaur, Thụy Sĩ.
Post a Comment