Chẳng mấy khi nhiều sự kiện thiên văn lại "hội ngộ" cùng thời điểm như vậy, thế nên hãy đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ chúng.
Tuần này, các fan thiên văn trên toàn thế giới sẽ chuẩn bị được chiêm ngưỡng một chuỗi hiện tượng rất thú vị.
Trăng tuyết – hay còn gọi là trăng tròn tháng 2, sẽ xuất hiện vào rạng sáng ngày 11/2 (giờ Việt Nam). Nguồn gốc cái tên "trăng tuyết" thì rất đơn giản, bởi trước đây tháng 2 được cho là tháng tuyết rơi nhiều nhất tại Mỹ.
Trăng tuyết hay còn gọi là trăng tròn tháng 2.
Cùng lúc đó, nguyệt thực nửa tối cũng đồng thời xảy ra, bao trùm bóng tối lên một phần Mặt trăng. Trong trường hợp trời quang mây, trăng sẽ chuyển màu bạc tối suốt quá trình nguyệt thực.
Tại Việt Nam, chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự kiện này.
Hiện tượng kỳ thú này sẽ kéo dài khoảng 4 tiếng 19 phút, và may mắn là chúng ta hoàn toàn có thể quan sát được nó tại Việt Nam. Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu vào 5h34 sáng ngày 11/2 và đạt đỉnh khoảng 1 tiếng sau đó trước khi kết thúc lúc 9h53.
Còn với những tín đồ thiên văn học tại Châu Âu và Châu Mỹ, nguyệt thực nửa tối sẽ xuất hiện sớm hơn một chút vào tối ngày 10/2.
Vậy chiêm ngưỡng xong nguyệt thực rồi thì sao? Hãy chuẩn bị sẵn sàng luôn nhé, bởi chỉ vài giờ sau đó, Sao chổi 45P – hay Sao chổi Năm mới, sẽ di chuyển qua Trái đất với khoảng cách siêu gần.
Ta có thể quan sát được hiện tượng sao chổi này vào sáng 11/2 (giờ Việt Nam) về phía chòm sao Hercules. Nó sẽ còn di chuyển qua nhiều chòm sao khác trong những ngày còn lại của tháng 2, tuy nhiên khi đó thì sao chổi cách xa Trái đất hơn rất nhiều.
Cứ mỗi 5 năm, sao chổi 45P sẽ lại "tìm đường" trở về phía trong Hệ Mặt trời.
Sao chổi 45P di chuyển khá nhanh chóng với 9 độ mỗi ngày. Cứ mỗi 5 năm, nó sẽ lại "tìm đường" trở về phía trong Hệ Mặt trời. Như vậy, nếu bỏ lỡ sự kiện lần này, chúng ta chỉ có thể chờ nó quay lại vào năm 2022.
Sao chổi này rất dễ nhận ra với phần đầu màu xanh lá cây sáng. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ cần đến ống nhòm nếu muốn quan sát, bởi nó tương đối khó nhìn thấy bằng mắt thường.
Post a Comment