Các dạng thiên tai thường gặp nhất có thể giết chết con người xoay quanh bốn yếu tố là nước, khí, đất và lửa. Trong số những nơi có yếu tố thiên nhiên nguy hiểm trên Trái đất, nơi nào khắc nghiệt nhất?

Thiên tai về nước

Nước là một mối nguy hiểm rõ ràng với con người, vì chúng ta không giỏi thích nghi với nước. Mặc dù được bảo vệ bằng tàu thuyền, nhưng theo Tổ chức Hàng hải Thế giới thống kê vào năm 2012, vẫn có 1.051 trường hợp tử vong trên biển trong năm này.

Tuy nhiên, một số vùng biển ẩn chứa nguy hiểm hơn cả bởi đặc điểm địa lý khiến sức mạnh của biển nơi đây trở nên rất khủng khiếp. Eo biển Saltstraumen ở Na Uy được xem là vùng biển nguy hiểm nhất trên Trái đất do dòng chảy mạnh mẽ của nó.

Một xoáy nước thủy triều mạnh mẽ ở Saltstraumen, Na Uy.
Một xoáy nước thủy triều mạnh mẽ ở Saltstraumen, Na Uy. (Ảnh: Cephas Picture Library/Alamy).

Tuy nhiên, xoáy nước mạnh mẽ nhất trên thế giới đã được các nhà khoa học phân tích và nghiên cứu, khiến nó không còn đáng sợ nữa. Ngày nay, nhiều công ty du lịch tổ chức các chuyến đi bằng thuyền hơi để du khách có thể đi sâu vào lòng của xoáy nước với sự điều khiển của một thuyền trưởng có kinh nghiệm.

Nhưng đối với những người sống ven bờ biển, thì đảo quốc Maldives ở Ấn Độ Dương mới là nơi nguy hiểm nhất. Đây là một hòn đảo san hô tại vùng trũng thấp của Ấn Độ Dương, nước biển có thể dâng lên cao một cách đột ngột hay một cơn sóng lớn, một trận bão có thể đến bất chợt mà không được báo trước.

Ngày nay, bởi tình trạng ngày nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng cao hơn khiến hòn đảo này có nguy cơ bị nhấn chìm vĩnh viễn và biến mất trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, sóng thần cũng là một kẻ sát nhân ghê gớm. Sóng thần là kết quả sinh ra sau sự dịch chuyển đột ngột của những khối nước lớn, khiến những cơn sóng khổng lồ được tạo ra và lan đi trong đại dương.

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ, 71% các cơn sóng thần trên thế giới diễn ra ở Thái Bình Dương do sự dịch chuyển đột ngột của những khối nước trong lòng biển. Số còn lại hầu hết do động đất ngầm dưới đáy biển và có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào.

Sự tàn phá khủng khiếp của siêu sóng thần năm 2004.
Sự tàn phá khủng khiếp của siêu sóng thần năm 2004. (Ảnh: Mark Pearson/Alamy).

Năm 2004, một trong những cơn sóng thần khủng khiếp nhất lịch sử hiện đại đã cướp đi 280.000 sinh mạng của công dân 15 quốc gia, sau khi một trận động đất mạnh diễn ra ở ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia. Hầu hết người chết bởi những trận lụt diễn ra sau sóng thần.

Hiện nay, hệ thống cảnh báo sóng thần và giảm nhẹ hậu quả sóng thần được lắp đặt trên khắp thế giới, bảo vệ con người khỏi thảm họa thiên tai tàn khốc này.

Thiên tai về không khí

Rất nhiều "hồ sát thủ" được phát hiện thấy ở Châu Phi, nhưng nó không phải là thiên tai về nước. Hồ Nyos ở Cameroon và hồ Kivu ở biên giới Cộng hòa Congo và Rwanda, đều là những mối nguy hiểm vô hình. Chúng là những hồ bị rò rỉ khí carbon dioxide từ bên dưới mặt đất.

Trong vụ phun trào limnic, khí carbon dioxide bị vỡ ra từ dưới đáy hồ và tạo thành một lớp mây khí. Bởi vì khí này nặng hơn không khí nên nó lắng xuống mặt đất và đẩy oxy lên trên, giết chết mọi sinh vật sống ở đây.

Hồ Nyos ở Cameroon trở thành một hồ nước sát thủ do chứa đầy carbon dioxide.
Hồ Nyos ở Cameroon trở thành một hồ nước sát thủ do chứa đầy carbon dioxide. (Ảnh: jbdodane/Alamy).

Sau hai vụ phun trào năm 1980, đã có 1.700 người và 3.500 gia súc ở Cameroon bị chết. Giờ đây các chuyên gia khoa học đã lắp đặt hệ thống thải khí và lọc khí bằng đường ống để dẫn khí ra ngoài.

Một thảm họa khác cũng được dự đoán ở hồ Kivu, hồ này cũng có khí methane bị rò rỉ dưới mặt đất. Một dự án năng lượng đã được triển khai để hút lấy khí methane và chuyển hóa thành điện năng, cung cấp điện cho hàng triệu người. Tuy vậy, rủi ro vẫn rất cao khi một cơn gió mạnh kéo đến.

Mũi Denison ở Nam Cực là nơi có nhiều gió nhất trên Trái Đất. Tuy nơi đây không có người ở, nhưng những cơn gió này gây ảnh hưởng gián tiếp đến những khu dân cư khác trên thế giới.

Các cơn bão mạnh nhất được hình thành tại vùng đại dương ấm ở phía Bắc và phía Nam đường xích đạo. Tại đây, gió mậu dịch được đẩy mạnh bằng sự thay đổi áp suất và kéo dài do hiệu ứng Coriolis, tạo ra nhiều kiểu thời tiết như bão, lốc xoáy.

Khi nhắc đến những cơn bão mạnh, không thể không nhắc đến Haiti. Đây là đảo quốc dễ bị tổn thương nhất bởi các cơn bão trong vùng biển Caribban. Đây không chỉ là quốc gia nằm trong tuyến đường chính xảy ra bão, mà còn là quốc gia nghèo, khó khôi phục hậu quả sau bão.

Chuyên gia Jörn Birkmann về các rủi ro thời tiết tại Đại học Stuttgart (Đức), cho biết những cơn lốc xoáy luôn nguy hiểm hơn so với bão vì nó khó dự đoán.

Haiti là một đảo quốc luôn phải đón chờ những cơn bão khủng khiếp.
Haiti là một đảo quốc luôn phải đón chờ những cơn bão khủng khiếp. (Ảnh: NASA).

"Lốc xoáy có thể thay đổi quy mô và hình dạng của mình khi di chuyển đến một khu vực khác. Hay nó có thể hình thành tại một khu vực mà chưa từng hoặc rất hiếm có lốc xoáy, việc này vô cùng nguy hiểm khi người dân tại đó không có kinh nghiệm phòng chống lốc xoáy".

Birkmann là một thành viên của nhóm các chuyên gia về bản Báo cáo Thiên tai Thế giới thường niên được phát hành bởi Đại học Liên Hiệp Quốc. Báo cáo này đề cập đến những quốc gia dễ bị tàn phá bởi các thảm họa tự nhiên và khả năng khắc phục sau sự cố.

Năm 2016, Vanuatu đứng đầu danh sách này. Hơn một phần ba dân số của đảo quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai mỗi năm. Năm 2015, một trận động đất nghiêm trọng, núi lửa phun trào và cơn bão mạnh đã tàn phá nơi này chỉ trong một tuần.

Rất may mắn do công tác dự báo, di tản và cứu nạn được triển khai nhanh chóng và có sự hợp tác quốc tế, khiến số người chết sau ba thiên tai chỉ vỏn vẹn 11. Để so sánh, số người chết trong một cơn lốc xoáy vào tháng 11/1970 ở Bangladesh là 500.000 người.

(còn tiếp)...

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top