Với mỗi người chúng ta, thiên thạch có vẻ như vẫn là một khái niệm xa lạ và ẩn chứa bên trong nó nhiều bí ẩn từ vũ trụ mênh mông.
Nhưng trên thực tế, mỗi ngày có đến hàng trăm thiên thạch, hay thường biết đến với tên gọi sao băng, bay lướt qua bề mặt trái đất. Khi đến được tầng khí quyển, sự ma sát sẽ đốt cháy những tảng thiên thạch này, tạo ra những vệt ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy. Nếu một ngôi sao băng nào đó có thể tồn tại đủ lâu để có thể xuyên qua bầu khí quyển và rơi xuống mặt đất, nó sẽ tạo ra một vụ va chạm thiên thạch.
1. Vụ nổ đầu tiên mang tên Ensisheim
Thiên thạch Ensisheim đâm vào bề mặt trái đất vào ngày mùng 7 tháng 9 năm 1492. (Ảnh minh họa).
Được coi là vụ va chạm sớm nhất trong lịch sử, thiên thạch Ensisheim đâm vào bề mặt trái đất vào ngày mùng 7 tháng 9 năm 1492, tại một thị trấn nhỏ thuộc vùng Ensisheim, Pháp. Một tiếng nổ lớn đã làm rung chuyển cả vùng đất xung quanh đó, trước khi một tảng thiên thạch nặng khoảng 330 pound (khoảng 150kg) từ trên trời rơi thẳng xuống một cánh đồng lúa mỳ. Người duy nhất chứng kiến sự việc trên là một cậu bé khoảng 14-15 tuổi. Tin tức sau đó lan đi nhanh chóng, và người dân trong vùng bắt đầu tụ tập và tìm cách lấy đi một vài mảnh đá bởi họ tin rằng đây là món quà của Đấng Tối Cao gửi xuống hạ giới. Thậm chí cả vị Vua của Đức lúc đó - Maximilian cũng đã dừng chân ghé thăm nơi này trước khi lên đường ra trận chiến. Ông cũng cho rằng đây chính là một tặng phẩm của Chúa, và cụ thể hơn, là tín hiệu rằng ông sẽ chiến thắng trong trận chiến sắp tới. Kết quả trận chiến sau đó đã không phụ lại lòng tin của Vua Maximilian.
2. Thiên thạch lớn nhất Vredefort Dome
Với kích thước khoảng 186 dặm (khoảng 300km), thiên thạch Vredefort Dome tại Nam Phi là tảng thiên thạch lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Và với tuổi ước tính vào khoảng 2 tỷ năm, có lẽ thiên thạch Chicxucub chỉ như một đứa trẻ khi đứng cạnh tảng thiên thạch này. Ngày nay, những dấu vết ban đầu của vụ va chạm này đã bị xói mòn đi rất nhiều, và những gì còn lại chỉ là bụi đá granite, di tích từ những miệng hố được hình thành từ vụ va chạm.
3. Thiên thạch phát nổ phía Nam thuộc Đại Tây Dương
Theo báo cáo của NASA, một thiên thạch có sức nổ tương đương bom nguyên tử vừa rơi xuống vùng biển Đại Tây Dương gần Brazil ngày 6/2 nhưng không ai hay biết. Phil Plait, nhà thiên văn học người Mỹ, đánh giá thiên thạch phát nổ ngoài khơi Brazil có đường kính khoảng 5 - 7m.
Khi cách mặt biển phía nam Đại Tây Dương 20 - 30km, thiên thạch phát nổ với sức công phá tương đương 12.000 tấn thuốc nổ TNT (bằng quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản).
Điều lạ lùng là không một ai hay biết gì về vụ nổ này. Các nhà khoa học chỉ biết đến nó thông qua các thiết bị phòng vệ và khoa học.
4. Thiên thạch rơi ở vùng Chelyabinsk
Thiên thạch rơi ở Chelyabinsk bốc cháy trong khí quyển, gây nên tiếng nổ lớn kèm theo ánh sáng chói lòa trên bầu trời.
Ngày 15/2/2013, một khối thiên thạch từ vũ trụ lao xuống vùng Chelyabinsk thuộc miền trung nước Nga vào khoảng 9h sáng. Nó bốc cháy trong khí quyển, gây nên tiếng nổ lớn kèm theo ánh sáng chói lòa trên bầu trời.
Vụ nổ khiến ít nhất 1.200 người bị thương và gây thiệt hại vật chất hàng chục triệu USD. Xung chấn từ vụ nổ khiến hàng vạn cửa sổ trong vùng vỡ tan. Phần lớn nạn nhân bị thương nhẹ do các mảnh kính vỡ văng vào cơ thể.
Theo số liệu tính toán của các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Cộng hòa Czech và Đại học Western Ontario, Canada, nguồn năng lượng có trong thiên thạch khi phát nổ ước tính tương đương với vụ nổ của khoảng 500.000 tấn thuốc nổ TNT, và mạnh hơn gấp 30 lần so với sức mạnh của quả bom từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.
Các chuyên gia của NASA khẳng định đây là vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong vòng 100 năm qua.
5. Thiên thạch 2008 TC3
Ngày 7/10/2008, thiên thạch 2008 TC3 (có mã số 8TA9D69) có đường kính từ 2m đến 5m đã lao vào khí quyển và bốc cháy trước khi va chạm vào bề mặt Trái đất. Thiên thạch được xác nhận đã đi vào khí quyển trên vùng miền bắc Sudan với tốc độ 13km mỗi giây.
Khi lao vào bầu khí quyển, TC3 phát nổ ở độ cao 10km với năng lượng tương đương khoảng 1.000 tấn thuốc nổ TNT tạo nên một quả cầu lửa lớn có thể quan sát từ khoảng cách 1.000km. Khi đó, các nhà khoa học cho rằng, sẽ không còn một mảnh đá nào còn sót lại để tiến hành nghiên cứu.
Thiên thạch này rất được chú ý bởi đây là thiên thể đầu tiên được con người quan sát và theo dõi trước khi tiếp cận đến trái đất.
6. Thiên thạch ở Tunguska
Vụ nổ Tunguska là một trong những sự kiện khủng khiếp nhất.
Vụ nổ Tunguska là một trong những sự kiện khủng khiếp nhất. Thiên thạch đâm vào Trái đất và phát nổ vào năm 1908 ở khu dân cư thưa thớt phía đông Siberia. May mắn thiên thạch này rơi ở vùng không có người nên không có trường hợp tử vong nào.
Tunguska đã san phẳng 80m cây trên diện tích 2.000km2. Theo các nhà phân tích thì vụ nổ này có lực công phá bằng khoảng 15 triệu tấn thuốc nổ TNT, lớn hơn 1.000 lần sức công phá của quả bom ở Hiroshima.
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về vùng đất nằm trong phạm vi vụ nổ, nhưng không hề có một mảnh thiên thạch hay bất kỳ vết lõm nào được phát hiện ra. Có giả thiết cho rằng cái đã thực sự tạo ra vụ nổ ngày hôm đó là một con tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh, hay thậm chí là một hố đen vũ trụ.
7. Thiên thạch Barringer
Vụ rơi thiên thạch này là minh chứng cho hậu quả khi thiên thạch vượt qua hành trình trong bầu khí quyển và tác động lên bề mặt Trái đất.
Barringer hiện nay đã trở thành một địa điểm thu hút rất nhiều khách thăm quan trên thế giới, bởi một tảng thiên thạch với kích thước khoảng 50m đã hạ cánh xuống đây, để lại một hố sâu chừng 170m, miệng hố rộng 1.200m và đường kính khoảng 1.6km.
Nhiều nhà khoa học tin rằng tảng thiên thạch này đã di chuyển với tốc độ khoảng 45.000km/h trước khi nó đâm sầm vào Trái đất. Vụ nổ này có sức công phá bằng 10.000.000 tấn thuốc nổ TNT.
Các nhà khoa học kết luận thiên thạch Barringer không tan vỡ hay bùng nổ trong bầu khí quyển. Vụ nổ diễn ra cách đây 50.000 năm và may mắn là tại thời điểm đó, khu vực thiên thạch rơi xuống chưa có người ở nên không gây thiệt hại gì về tính mạng. Tuy nhiên, vụ nổ này vẫn là một cảnh báo cho khả năng hủy diệt đáng sợ của thiên thạch khi rơi xuống Trái đất.
Post a Comment