Lần đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ, một phi hành gia người Mỹ gốc Phi sẽ lên làm việc tại Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Trong một thông báo ngày 4/1, ông Chris Cassidy, người đứng đầu Văn phòng Phi hành gia tại Trung tâm Johnson Space thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cho hay cơ quan này đang chuẩn bị các bước để đưa nữ du hành vũ trụ Jeanette Epps, đồng thời là một chuyên gia vật lý, lên ISS vào năm 2018 cùng với một phi hành gia lâu năm khác là Andrew Feustel.
Epps cũng từng công tác tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Nữ du hành vũ trụ Jeanette Epps. (Nguồn: AFP/NASA).
Theo ông Cassidy, đã có nhiều phi hành gia người Mỹ gốc Phi thực hiện sứ mệnh trên tàu vũ trụ, song đây là lần đầu tiên một người Mỹ gốc Phi sẽ có mặt trên ISS.
Với tổng mức đầu tư lên tới khoảng 100 tỷ USD, ISS có không gian sống tối đa 6 người.
Di chuyển theo quỹ đạo cách Trái Đất 400km với vận tốc khoảng 28.000km/giờ, ISS mất 90 phút để hoàn thành một vòng quay quanh Trái Đất.
Mặc dù được phóng lên quỹ đạo từ năm 1998, nhưng phải đến ngày 2/11/2000, ISS mới được tiếp đón 3 phi hành gia đầu tiên của Đội thám hiểm số 1, bao gồm Bill Shepard của NASA, phi hành gia người Nga Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev trong một chuyến làm việc kéo dài 136 ngày.
Trong suốt gần 20 năm hoạt động, ISS đã đón tiếp 226 lượt người tới từ 15 quốc gia trên thế giới.
Các chuyên gia đã tiến hành hơn 180 cuộc đi bộ trong không gian, khoảng 1.760 các điều tra nghiên cứu và công bố hơn 1.200 nghiên cứu khoa học.
Cơ quan kiểm soát hy vọng sẽ duy trì hoạt động của ISS cho tới năm 2024 sau khi tất cả các quốc gia tham gia hợp tác, ngoại trừ Liên minh châu Âu (EU), nhất trí tiếp tục hỗ trợ tài chính cho dự án ít nhất là tới thời điểm đó.
Post a Comment