Trong nền âm nhạc Việt Nam, Đặng Thế Phong là một trường hợp đặc biệt. Ông chỉ cống hiến cho đời 3 ca khúc, nhưng vẫn được người ta trao danh xưng nhạc sĩ. Những bản tình ca ấy đã trở thành bất hủ giúp cái tên Đặng Thế Phong sống mãi trong lòng mọi người.
Người nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong sinh năm 1918, là người con của Nam Định, quê hương của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Đan Thọ, Bùi Công Kỳ, Hoàng Trọng,...
Cha ông là Đặng Hiển Thế - thông phán sở Trước bạ Nam Định. Khi Đặng Thế Phong đang học năm thứ hai bậc thành chung (tương đương lớp 7 ngày nay) thì cha ông qua đời, để lại gia đình 7 miệng ăn trong hoàn cảnh túng thiếu.
Cuộc sống của Đặng Thế Phong cũng vì thế mà rẽ lối. Ông nghỉ học lên Hà Nội làm thuê để kiếm sống. Ông vừa làm nghề vẽ tranh minh họa cho báo Học sinh vừa theo học vẽ với tư cách dự thính tại trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Có một giai thoại kể lại rằng, khi thi vào trường, Đặng Thế Phong vẽ một thân cây cụt rất đẹp nhưng không có ngọn.
Vị thầy người Pháp chấm điểm khi ấy đã phải thốt lên khen ngợi tài năng của cậu học trò nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi “e rằng cậu không sống lâu được”!
Tuổi thanh xuân của Đặng Thế Phong là chuỗi ngày nhiều nỗi vất vả, gian lao và lận đận vì phải phiêu bạt. Thế nhưng, cuộc sống bộn bề ấy không thể dập tắt ngọn lửa đam mê nghệ thuật của chàng trai có dáng người thư sinh, đôi môi đỏ như son và gương mặt thanh tú.
Âm nhạc cứ len lỏi, đồng hành cùng ông trong từng bữa ăn thiếu thốn, từng giọt mồ hôi rơi khi vẽ tranh. Bằng sự thông minh thiên bẩm, Đặng Thế Phong tự mày mò, tự học nhạc lý và có thể sử dụng được nhiều loại nhạc cụ.
Đặng Thế Phong, người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh.
Lúc sinh thời, Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo, nên cuộc sống của ông chật vật. Ông không chỉ vẽ tranh, viết nhạc mà còn đi hát vì có giọng ca khá hay.
Lần đầu tiên lên sân khấu, ông hát bài Con thuyền không bến tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội) vào năm 1940 và ngay lập tức được công chúng đón nhận.
Thế nhưng, dù Đặng Thế Phong là một chàng trai tài năng nhưng vẫn không thể có được cuộc sống sung túc.
Lúc bấy giờ nhạc và tranh dù có hay, có đẹp đến mấy chăng nữa cũng chẳng có người mua. Thời ấy, chính quyền bảo hộ Pháp có mở một phòng triển lãm tranh tại hội Khai trí tiến đức, khu bờ hồ Hoàn Kiếm.
Sau lễ khai mạc được ông Đốc Lý thành phố Hà Nội đến cắt băng, người ta thấy những người đến xem tranh phần lớn là ông Tây, bà đầm, còn người Việt chỉ “lơ thơ tơ liễu buông mành”.
Ngoài ra, thời bấy giờ chính quyền Pháp có tổ chức mở phòng triển lãm là bảo trợ cho các hoạ sĩ Pháp trưng bày tranh của mình còn hoạ sĩ Việt Nam chẳng mấy người có thể lọt vào.
Với nhạc, mỗi lần xuất bản cũng chỉ in nhiều nhất là 500 bản, dân chúng cũng chưa yêu chuộng nhạc cải cách (tân nhạc) nên dù có thực tài thì cũng không thể có được một cuộc sống sung túc!
Vì vậy mà, Đặng Thế Phong phải chịu một cuộc sống khó khăn, chật vật trong “kiếp con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.
Đầu năm 1942, người nhạc sĩ tài năng từ giã cõi đời tại căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng, Nam Định vì bệnh lao, hưởng dương 24 tuổi. Ông ra đi khi tuổi còn son trẻ, đầy thơ mộng.
Cuộc đời của Đặng Thế Phong thật quá ngắn ngủi nhưng đời sống tinh thần của ông rất phong phú và thi vị. Nhờ thế mà, dù ông chỉ sáng tác 3 ca khúc vẫn là cái tên không thể không nhắc đến khi nói về nền Tân nhạc Việt.
Cuộc tình lý tưởng
Khi còn ở Nam Định, Đặng Thế Phong đem lòng yêu cô thiếu nữ buôn bán chăn ở Chợ Sắt (chợ Rồng ngày nay).
Theo lời kể của nhạc sĩ Lê Hoàng Long, người thân thiết với Đặng Thế Phong, cô gái ấy tên Tuyết. Cô không đẹp nhưng rất có duyên.
Vốn tính nhút nhát, Đặng Thế Phong nghĩ mãi cũng không biết làm cách nào để “tiếp cận” người đẹp.
Cuối cùng, ông vờ làm khách hàng vào hỏi giá rồi nhét vội vào tay nàng một lá thư. Không biết trong bức thư ấy ông viết gì chỉ biết cô đã cự tuyệt một anh thông phán trẻ làm việc ở Tòa Đốc lý Nam Định để yêu Đặng Thế Phong.
Cặp tình nhân trai tài, gái đảm đã dìu nhau vào cuộc tình thật trong sáng và cao thượng.
Điều đáng ca ngợi là chàng nhạc sĩ tài hoa họ Đặng không bao giờ đụng chạm đến đồng tiền của người yêu, dù người đẹp, nhiều lần khôn khéo bày tỏ lòng mình muốn giúp chàng.
Những buổi chiều trời quang, mây tạnh hay gió mát, trăng thanh, hai người đều dìu nhau trên những con đường ngoại ô để tâm tình.
Thời bấy giờ, nhiều thanh niên ngưỡng mộ Đặng Thế Phong. Khi biết mối tình của cặp Phong – Tuyết, họ đều mến trọng và tôn kính là một cuộc tình lý tưởng!
Với người nhạc sĩ trẻ, mối tình dành cho Tuyết là nguyên vẹn, là trọn con tim, là trọn yêu thương.
Là một anh chàng điển trai, nhiều tài lẻ nên Đặng Thế Phong được nhiều cô gái thầm thương trộm nhớ, đặc biệt là mấy cô gái ở phố Hàng Đồng.
Thế nhưng, ông vẫn một lòng yêu Tuyết, dù cô không đẹp bằng mấy cô kia. Có một hôm, mấy cô đang đứng nói chuyện với nhau thấy Đặng Thế Phong đi qua thì ngưng bặt, rồi chẳng cô nào bảo cô nào tất cả ánh mắt đều hướng về ông như dán chặt vào người ông vậy.
Khi Đặng Thế Phong vừa bước tới ngang chỗ các cô thì một giọng nói đầy hờn dỗi pha thêm mai mỉa được nói lớn lên, cố ý cho Đặng Thế Phong nghe thấy “Mấy chị đứng dịch ra, người ta đi vội kẻo trễ hẹn”.
Đặng Thế Phong nghe rõ nhưng coi như điếc, cứ rảo bước như không có gì xảy ra. Đến nơi hẹn, gặp Tuyết đã đứng chờ, Đặng Thế Phong kể cho cô nghe vụ vừa bị chọc ghẹo.
Tuyết không nói gì mà chỉ tủm tỉm cười với ánh mắt nhìn người yêu thật là trìu mến.
Tình cảm mà Đặng Thế Phong dành cho người con gái ấy còn được thể hiện rất rõ qua ca khúc Con thuyền không bến.
Chuyện kể lại rằng, khi đang đi chơi với bạn ở xa, Đặng Thế Phong nghe tin Tuyết ốm. Ông vì quá lo lắng cho nàng mà lòng dạ bồn chồn, xót xa và viết nên ca khúc Con thuyền không bến.
Những lời ai oán não nùng gửi về... chân mây mà Đặng Thế Phong đã dùng trong ca khúc này đủ để hiểu, ông yêu người con gái ấy thế nào, lo cho người con gái ấy đến nhường nào. Không lâu sau khi hoàn thành, Con thuyền không bến ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển.
Từ Nam Định, Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong, ngay ở hàng ghế đầu để nghe bài hát “người ấy làm riêng cho mình”.
Nữ ca sĩ Thái Thanh – người từng thể hiện rất thành công ca khúc Con thuyền không bến.
Yêu nhau chưa lâu Đặng Thế Phong nhuốm bệnh lao. Khi ấy thuốc bệnh lao vừa hiếm lại vừa đắt nhưng Tuyết không ngại tốn kém, kín đáo nhờ người mua thuốc và thường xuyên gặp ông để săn sóc mà không sợ bị lây bệnh.
Đầu năm 1941, sau một thời gian sống ở Sài Gòn, Đặng Thế Phong trở về Hà Nội sống với chú họ Nguyễn Trường Thọ.
Thời điểm này cuộc sống của Đặng Thế Phong vô cùng vất vả, bởi gia cảnh nghèo nàn nên ông phải vay mượn tiền bạc để chữa bệnh. Tháng Bảy mưa ngâu.
Cảnh buồn tê tái. Nỗi nhớ người yêu trào lên quay quắt, ông ôm đàn và viết Vạn cổ sầu, sau đó đổi thành Giọt mưa thu.
Cuối năm 1941, ông được đưa về Nam Định. Trong suốt khoảng thời gian trị bệnh đến khi ông qua đời, Tuyết luôn bên cạnh Đặng Thế Phong để túc trực chăm sóc ông khiến nhiều người quen biết xót xa, thương cảm cho một mối tình vô vọng và nể phục tính cách cao thượng, chung thủy của cô.
Cùng với Nguyễn Văn Tuyên, Dzoãn Mẫn, Lê Thương,… Đặng Thế Phong thuộc lớp nhạc sĩ trưởng thành đầu tiên của nền Tân nhạc Việt.
Giống như nhiều trí thức thời ấy, Đặng Thế Phong chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Pháp, thế nên ca khúc đầu tay Đêm thu của ông mang đặc trưng của nhạc Tây.
Thuở ấy, Đêm thu với ca từ mềm mại, bay bổng và giai điệu tha thiết đã chinh phục được giới trí thức nên nhanh chóng được phổ biến.
Ca khúc này đã giúp cái tên Đặng Thế Phong trở nên nổi tiếng. Sau Đêm thu, Đặng Thế Phong còn viết hai ca khúc nữa về mùa thu là Con thuyền không bến và Giọt mưa thu – gắn liền với mối tình đã đi vào huyền thoại.
Ba ca khúc được nhiều nhạc sĩ đánh giá là đã đạt đến độ chín của tài hoa và dự báo một cuộc đời ngắn ngủi.
Nguồn: Tổng hợp
Post a Comment