Tên gọi của các châu lục ngày nay xuất xứ từ đâu? Trước tiên xin đề cập tới Tân thế giới, vùng đất "lạ hoắc" đối với người châu Âu cho đến thế kỷ XVI.
Tại sao ta lại gọi châu Mỹ là America, chứ không phải là Vespucia? Các nhà khoa học đã nêu câu hỏi này nhiều thế kỷ nay và dưới đây là một cách giải thích mang tính thuyết phục nhất.
Miền đất mới đất mà nhà thám hiểm hàng hải người Tây Ban Nha Christopher Columbus (1451-1506) đã khám phá, được mang tên nhà bản đồ học người Italia Amerigo Vespucci (1454-1512), bởi A. Vespucci là người đầu tiên mô tả tỉ mỉ vùng đất ấy trong năm 1507, qua những bức thư nổi tiếng bằng tiếng Latin quy tụ dưới tiêu đề "Quattuor Americi Vespuccij navigationes" (4 cuộc hành trình của Amerigo Vespucci), theo đó miền đất mới được ông đặt theo tên riêng của mình.
Tuy nhiên cũng có nhiều bàn cãi xung quanh cách đặt tên này. Các nhà sử học Brazil cho rằng cái tên America có xuất xứ tại chỗ, từ "Maroca" - vị thần tối cao của dân bản địa Brazil. Còn học giả người Pháp Francois Marcus lại khẳng định, rằng danh xưng đó bắt nguồn từ tên gọi người bản xứ là Los Amériques.
Riêng nhà khoa học người Mỹ gốc Pháp Lamber D'Senri đưa ra bằng chứng dứt khoát, rằng vùng đất mới mà Vespucci từng mô tả thực ra đã được gọi sẵn bằng tên đó rồi, với những cái tên Amaraca, Ameriocapana, hay Ameracapana đã từng gặp từ lâu. Trong khi một vài nhà sử học Tây Ban Nha lại đoan chắc, rằng nhà thám hiểm hàng hải Alonso de Ojeda (1468-1515) đã tìm ra hải cảng Maracaibo, ven bờ Venezuela bây giờ trong năm 1499, rồi được lưu lại trong các sổ ghi chép của ông là Ameriocapana…
Còn ký giả gạo cội người Áo Stefan Zweig (1881-1942) lúc sinh thời lại coi các giả thuyết nêu trên là "những điều nực cười từ các sự nhầm lẫn". Trong giữa thế kỷ XVI trung tâm của giới bản đồ học châu Âu chuyển sang Đức. Nhà bản đồ học trẻ tuổi Martin Valdseemuller (1470-1520) đã trở thành bất tử, khi gọi một phần của Brazil (khi đó được coi là một hòn đảo) với tên Amerigo Vespucci qua tấm bản đồ "Universalis Cosmographia" (Vũ trụ học phổ quát), thường được gọi thông dụng là "Bản đồ Valdseemuller treo tường", do đích thân Martin vẽ ra lúc 32 tuổi vào năm 1503, rồi được xuất bản lần đầu vào tháng 4/1507.
Tượng A. Vespucci - người có vinh dự được đặt tên cho châu Mỹ - ở thành phố quê hương Florence, nước Ý.
Lại nảy sinh nhiều thắc mắc mới, khi một nhóm chuyên viên Pháp ở thị trấn Saint-Dié gần Strasbourg tìm được những lá thư của Amerigo qua bản dịch bằng tiếng Latin. Từ "Amerigo" qua tiếng Latin là "Alberic". Vậy tại sao M. Valdseemuller lại dùng nguyên thể tên tiếng Italia của nhà hàng hải? Tại sao giới bản đồ học Đức lại gọi vùng đất mới bằng tên riêng, chứ không bằng họ của nhà thám hiểm A. Vespucci theo thông lệ?
Chỉ có các vị vua chúa mới có vinh dự được đặt tên riêng cho các địa danh! Đến giờ vẫn chưa có ai giải đáp nổi câu hỏi này. Còn một điều khó hiểu nữa đối với người Tây Ban Nha và cả người Anh cũng vậy, một thời gian dài không chịu gọi Tân thế giới là lục địa America. Thậm chí vào năm 1627, tức là hơn 1,3 thế kỷ sau khi C. Columbus tìm ra châu Mỹ, người Tây Ban Nha còn cấm mọi bản đồ có lưu hành địa danh America - mà họ gọi từ xưa là West Indies (Tây Ấn).
Mãi tận cuối thế kỷ XVII mới chịu đổi từ West Indies sang America. Trước đó cả vùng Nam Mỹ được gọi là Peru hay "Piru" (Đất nước của vàng bạc). Địa danh này được dùng bởi người đã tìm ra vùng biển phía nam Thái Bình Dương, một người Tây Ban Nha chuyên nuôi ngựa và mê thám hiểm là Vasco Núnez De Balboa (1475-1519). Còn trên phù điêu chân dung của nhà thám hiểm hàng hải lỗi lạc người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan (1480-1521) có ghi dòng chữ Latin hàm ý: "Ferdinand Magellan - Người tìm ra eo biển phía nam vùng đất Piru".
Riêng người Anh về phần mình trong một thời kỳ dài gọi America là "Tân thế giới". Tới cuối thế kỷ XVI, dân da đỏ trong mắt người Âu vẫn đơn giản chỉ là "Những đứa trẻ của thiên nhiên". Vậy cái tên Amerigo có nghĩa gì, mà làm nhiều người bận tâm đến thế?
Đó là liên từ của 2 từ Gothic ở thời Trung cổ: Amala và Reics. "Amal" có nghĩa là người yêu lao động, chân thành, sẵn sàng giúp người khác. Một trong những vị vua thời Ostrogoth mang tên Amal.
Trong thế kỷ VI, xứ Tây Ban Nha được Vua Ostrogoth Theodoric Đại đế (454-526) giao cho người cháu có tước hiệu Amalric cai quản. Còn từ "Ric" hay "Reics" mang rất nhiều nghĩa: mạnh, khỏe, có năng lực, vua quan... Với cách đó "Amalric" ghép lại từ "Amal" và "Ric" có nghĩa là người anh hùng, lãnh tụ, vua chúa. Sau sự xâm lăng của người Gothic vào Italia, cái tên này được bắt đầu gọi hơi khác đi.
Trong ngữ pháp tiếng Italia, 2 nguyên âm "L" và "R" không thể đứng gần nhau, vì vậy "LR" chuyển thành "RR". Tên riêng của Vespucci được viết bởi hai chữ "R": Amerrigo. Vậy cớ sao M. Valdseemuller lại gọi tên vùng đất mới chỉ bằng tên riêng có một chữ "R" của A. Vespucci?
Nhiều nhà nghiên cứu giải thích bằng sự thực là trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, thì cái họ gốc Italia ấy rất hiếm gặp. A. Vespucci phục vụ cho người Tây Ban Nha và tới lúc đó (đầu thế kỷ XVI) ở Tây Ban Nha không có người gốc Florence thứ 2 trùng họ với ông. Vì vậy họ gọi đơn giản là Amerigo (về đề tài thú vị này thì người nước ngoài không gặp khó khăn gì khi được chấp nhận bằng tên hay họ).
Dù cho cách lập luận của nhà bản đồ học M. Valdseemuller không có tính thuyết phục lắm, do ông từng viết rằng: "Sau khi châu Á - Asia và châu Âu - Europe đã mang tên phụ nữ, vậy Tân thế giới cần phải được vinh dự mang tên đàn ông".
Các quan điểm về nhà thám hiểm Amerigo Vespucci bắt đầu lung lay trong thế kỷ XIX, khi một vài học giả cố chứng minh rằng A.Vespucci chưa hoàn thành chuyến đi thứ 4 của mình tới châu Mỹ. Đến đầu thập niên 70 thế kỷ trước, vấn đề này được nhà nghiên cứu người Pháp là Julie Markd lưu tâm lật lại khi đưa ra quan điểm cá nhân: tên America là xuất xứ từ các bộ lạc da đỏ Americi, những người cho tới cuối thế kỷ XIX vẫn còn sống ven hồ Nicaragua.
Năm 1502, C. Columbus tới được "bờ Moskitov" - bờ biển Nicaragua ngày nay. Khi trao đổi hàng hóa với dân da đỏ, người Tây Ban Nha hỏi họ có vàng từ đâu? Họ chỉ về phía nam rồi đáp: "Americos", hiển nhiên là nói về những địa danh có vàng. Đó chính là xuất xứ của huyền thoại về vàng Mỹ châu, tạo thành một "cơn sốt" nhanh chóng loang đi khắp Âu lục.
Post a Comment