Tình yêu và những hoài niệm, quá khứ và hiện tại, hạnh phúc và khổ đau,… tất cả đều được Ngô Thụy Miên biến thành những bản tình ca đẹp. Ông viết nhạc cho mình nhưng ai nghe nhạc phẩm của ông cũng đều thấy bản thân ở trong đó. Chính vì điều này mà nhạc của Ngô Thụy Miên được thích, được yêu qua nhiều thế hệ.
Trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tình ca chính là mùa gặt của làng nhạc Việt ở miền Nam và Ngô Thụy Miên là đại diện tiêu biểu của cõi giới tình đó. Ông là người nhạc sĩ có niềm say mê vô bờ bến với âm nhạc, cảm xúc sáng tạo bất tận và một bút lực dồi dào khiến nhiều người nể phục.
Mối duyên đẹp của Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh ngày 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ hai trong một gia đình có 7 người con. Ông lớn lên với sách vở và thơ văn, vì gia đình có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở ngay thành phố Cảng và sau này mở trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Sài Gòn.
Ngô Thụy Miên bắt đầu viết nhạc năm 15 tuổi, nhưng ông chỉ thực sự được công chúng biết đến khi ra mắt ca khúc Chiều nay không có em (1965). Ngày ấy, ca khúc này được giới học sinh sinh viên hưởng ứng nồng nhiệt và cái tên Ngô Thụy Miên được giới trẻ yêu thích. Năm 1969, ông cho xuất bản tập nhạc đầu tay lấy tựa là Tình khúc Đông Quân. Đông Quân chính là bút danh đầu đời của ông trước khi đổi thành Ngô Thụy Miên như bây giờ.
Trước khi đến với Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên đã sở hữu khối tài sản kha khá các nhạc phẩm được yêu thích, nhưng danh tiếng của ông chỉ thực sự đạt được đỉnh cao khi kết hợp với nhà thơ tài năng này. Những vần thơ tình nổi tiếng của Nguyên Sa khi ấy được đặc biệt yêu thích và Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành những giai điệu tình ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng.
Nhà thơ Nguyên Sa, người đã giúp cái tên Ngô Thụy Miên sống mãi theo
thời gian.
Cho đến ngày nay, 2 cái tên Ngô Thụy Miên- Nguyên Sa vẫn là một điển hình cho sự thành công khi gieo thơ thành nhạc. Nguyên Sa đã giúp nhạc Ngô Thụy Miên thăng hoa và ngược lại Ngô Thụy Miên đã đem tiếng thơ ấy của Nguyên Sa bay cao khiến triệu tâm hồn thổn thức.
Nói về cuộc gặp gỡ định mệnh với nhà thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên xúc động cho biết: “Rất nhiều người hỏi tôi có quen biết hay có họ hàng với nhà thơ Nguyên Sa không? Như tôi đã nói, chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình”.
Ngô Thụy Miên đến với thơ Nguyên Sa không xuất phát từ việc lựa chọn hay tính toán vì một mưu cầu nào đó mà do người nhạc sĩ tài năng ấy nhìn thấy chính bản thân mình trong thơ của Nguyên Sa. Những vần thơ được tạo nên từ những cảm xúc ngọt ngào, tình tứ và tươi mát đã khiến Ngô Thụy Miên thấy yêu, thấy cảm và gieo cho nó những giai điệu.
Ngô Thụy Miên thừa nhận, không ít những bài thơ khi người nhạc sĩ quyết định chuyển thành nhạc, họ đã phải đi tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ hoặc phải thay đổi lời thơ để hòa nhập vào ý nhạc. Nhưng với thơ của Nguyên Sa, chỉ cần đọc lên Ngô Thụy Miên đã thấy hình như vang vọng, phảng phất đâu đây tiếng phong cầm rộn rã. Vì vậy mà, ông thường phổ nhạc rất nhanh cho những vần thơ ấy.
Sau khi bộ đôi Ngô Thụy Miên – Nguyên Sa làm khuynh đảo làng nhạc với Áo lụa Hà Đông, Pari có gì lạ không em?, người nhạc sĩ tài năng tiếp tục gieo nhạc cho Tuổi 13. Những câu thơ được thế hệ của Ngô Thụy Miên nằm lòng như hành trang tuổi trẻ đã trở thành thanh âm ngân nga của một Tuổi 13 đẹp và thơ mộng trên nhạc đàn Việt Nam thời kỳ tân nhạc. Tứ thơ hồn nhiên, dịu dàng và có chút gì đó đầy mê say, phóng khoáng đã diễn tả thật đúng tâm trạng nhớ nhung, lâng lâng, chờ đợi của thuở yêu đầu.
Mặc dù là bộ đôi nhạc sĩ – nhà thơ nổi danh nức tiếng nhưng ít ai biết rằng, trong suốt cuộc đời nghệ thuật, Ngô Thụy Miên mới chỉ gặp Nguyên Sa duy nhất 2 lần dù số tác phẩm mà họ cộng tác chung đã gấp mấy lần số ấy.
Khi biết tin Nguyên Sa mất, Ngô Thụy Miên đã viết những dòng khắc cốt ghi tâm để gửi tới người tri kỷ: “Thôi cái thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu đương nồng nàn ngày nào đã thực sự không còn nữa. Không còn nữa những lụa là mưa nắng Sài Gòn, không còn nữa Paris và những người tình dòng sông Seine với những vòng tay ôm, môi hôn vội vã. Người đạo diễn đã bỏ cuộc chơi, bọn tài tử chúng tôi ở lại còn gì để bàn chuyện thu phong, còn gì để làm dáng với đời”.
Sống để viết tình ca
Ngô Thụy Miên sáng tác khoảng 50 ca khúc, tất cả đều là tình ca. Ngô Thụy Miên nói rằng, ông viết tình ca cho chính mình, bằng cảm xúc thật của mình. Ông không viết nhạc cho mọi người nhưng tâm sự của Ngô Thụy Miên lại chính là nỗi lòng của những người đang yêu. Thế nên, người ta yêu nhạc của ông nhiều lắm. Những bản tình ca hay và đẹp đến lộng lẫy của Ngô Thụy Miên đã nằm lòng nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc.
Cũng vì viết nhạc cho mình nên ông không phải kiểu nhạc sĩ viết đo ni đóng giày như: Mạnh Phát viết cho Thanh Tuyền, Phương Dung; Phạm Đình Chương viết cho Thái Thanh hay Tâm Anh viết cho Phương Hồng Quế. Vậy nên, Ngô Thụy Miên mới từng nói: “Bài Riêng một góc trời, tôi đâu có nghĩ là Tuấn Ngọc hát hay như vậy đâu, thế mà ông ấy hát nó lại thành công. Tuấn Ngọc hát bài đó tới lắm!”.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
Không ai có thể phủ nhận khi Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa thì sự giao duyên này trở thành một cuộc giao hưởng trường cửu, tạo nên các tình khúc bất hủ. Các ca khúc Paris có gì lạ không em?, Tuổi 13, Áo lụa Hà Đông, Nắng Paris nắng Sài Gòn, Tình khúc tháng Sáu,... đã giúp cái tên Nguyên Sa – Ngô Thụy Miên được công chúng yêu thích. Sự kết hợp ấy đã làm thăng hoa sự tuyệt tác của từ thơ qua nhạc và ngược lại.
Tuy nhiên, nếu nói rằng không có Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên chẳng thể lãng mạn hay thơ mộng có lẽ là bất công với ông. Bởi, những nhạc phẩm khác của Ngô Thụy Miên vẫn mang đậm chất tình ca riêng biệt như trong những nhạc phẩm đầu tay. Khi đứng một mình nhạc của Ngô Thụy Miên không hề kém chất lãng mạn, trữ tình và vẫn có sắc thái độc đáo không thể lẫn với ai như nhạc phẩm Mùa thu cho em.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nói rằng ông không viết nhạc để sống nhưng sống để viết nhạc. Vì vậy, ông không viết nhạc để kiếm tiền mà viết nhạc vì cảm xúc trào lên rồi chuyển đến những phím đàn. Cũng vì thoát khỏi được gánh nặng của cơm áo gạo tiền nên âm nhạc của ông không bị gò bó mà bay bổng, lãng mạn và xanh mướt.
Nếu tình yêu trong ca khúc của Nguyễn Ánh 9 là tiếng thở than của một gã trai đơn độc trên đại lộ tình ái thì tình yêu trong mỗi nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên lại mang màu xanh hy vọng. Nó luôn tràn ngập dư vị ngọt ngào, ngất ngây hạnh phúc và yêu thương đong đầy. Ngay cả khi có là tình khúc chia ly, nó cũng chẳng hề bi quan, chán nản mà niềm hy vọng vẫn được gieo vào một cách tinh tế để giúp những trái tim đau đớn kia đứng dậy, bước đi và bắt đầu lại. Sau nhiều năm viết tình khúc cho chính mình, Ngô Thụy Miên đã trở thành cây bút viết tình ca đẹp và có sức sống lâu bền nhất trong làng nhạc. Vì Ngô Thụy Miên nói rằng ông viết tình ca cho chính mình nên người ta vẫn thắc mắc về Em trong các ca khúc của ông. Nói về Em, Ngô Thụy Miên thừa nhận: Em trong tình ca Ngô Thuỵ Miên thì không chỉ là bóng hình của những người tình đã đi qua hay đang chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống hiện tại. Em của những ngày tháng còn ở Sài Gòn đúng là người tình như trong Mùa Thu cho em, Niệm khúc cuối,… nhưng khi ra hải ngoại thì Em chính là Sài Gòn, là nơi chốn Ngô Thụy Miên đã trưởng thành với bao kỷ niệm của một đời. Người tình chợt đến chợt đi, nhưng Sài Gòn sẽ còn mãi trong trái tim ông.
Nguồn: Tổng hợp
Post a Comment