Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là công ty mẹ của Đạm Phú Mỹ (PVFCCo) đang sở hữu gần 60% vốn Tổng công ty, dự kiến sẽ thoái bớt vốn Nhà nước tại đây sau khi doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.

Tổng công ty phân bón & Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã CK: DPM) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức đợt 2 năm 2017 là ngày 15/6/2018. Theo đó, công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% mệnh giá.

Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến số tiền mà doanh nghiệp phân bón đầu ngành bỏ ra cho đợt chi trả lần này vào khoảng hơn 391 tỷ đồng.

Báo cáo quản trị năm 2017 của Đạm Phú Mỹ cho thấy, sở hữu Nhà nước với đại diện là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm phần lớn cổ phần tại DPM lên tới 59,59% vốn. Các tổ chức khác đều nắm giữ dưới 5% vốn tại DPM. Trong đó, quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VanEck Vectors Vietnam ETF thuộc quản lý của VanEck Global) và Deutsche Bank AG, London Branch nắm giữ lần lượt là 4,5% và 4,47% vốn tại DPM.

Ước tính sau đợt chi trả này, PVN sẽ nhận được hơn 230 tỷ đồng tiền cổ tức. Hai tổ chức ngoại trên nhận khoảng 17,5 tỷ đồng.

Đầu tư - Đạm Phú Mỹ trả cổ tức, PVN sắp 'ôm' 230 tỷ đồng

Đạm Phú Mỹ đang trải qua thời kỳ khó khăn

Năm 2017, Đạm Phú Mỹ chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%, thấp hơn 10% so với năm trước.

Trong năm 2018, với tình hình kinh doanh kém tích cực, DPM tiếp tục cắt giảm cổ tức, dự kiến chỉ còn ở mức 10%.

Tại đại hội đồng cổ đông của Đạm Phú Mỹ hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Đinh Văn Sơn – đại diện PVN chia sẻ, DPM đã trải qua thời kỳ rất "hoành tráng", tuy nhiên đến hiện tại đang là khó khăn chung của ngành dầu khí, không riêng DPM. Vì thế PVN đang tiến hành song song công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các đơn vị thành viên và giai đoạn tiếp theo là tìm cổ đông chiến lược cho các đơn vị này để các doanh nghiệp tái cơ cấu thành công. PVN sẽ hỗ trợ cho DPM vượt qua những khó khăn hiện tại và hợp tác chặt chẽ với cổ đông, trong đó sẽ đẩy nhanh lộ trình thoái vốn (nhất là việc xem xét thoái xuống dưới 51%).

Trong kế hoạch tái cơ cấu DPM giai đoạn 2016-2020, cổ đông Nhà nước dự kiến sẽ thoái vốn xuống 51% và tiếp tục thoái xuống dưới 51% (từ mức gần 60% vốn hiện nay). Theo đó, để thuận lợi cho việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, cổ đông DPM đã thông qua việc không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, để thỏa điều kiện không bị giới hạn room ngoại, DPM phải xóa đăng ký 3 ngành nghề kinh doanh là Bốc xếp hàng hóa, Vận chuyển hàng hóa đường bộ và Vận tải đường thủy nội địa; đồng thời điều chỉnh ngành Sản xuất, truyền tải và phân phối điện thành Sản xuất điện.

Hiểu Minh

Cùng chuyên mục

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top