Trong số 11 loài lưỡng cư được phát hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai) có 2 loài quý hiếm là cóc răng và ếch bám đá đốm vàng.

Ngày 28/4, ông Ngô Kiên Trung, Trưởng ban Ban Quản lý khu bảo tồn thiên thiên Bát Xát (huyện Bát Xát, Lào Cai), cho biết chương trình khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã phát hiện 11 loài lưỡng cư.

Ếch bám đá đốm vàng
Loài ếch bám đá đốm vàng quý hiếm lần đầu tiên được phát hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát .(ẢNH: KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BÁT XÁT CUNG CẤP).

Các chuyên gia nghiên cứu đã ghi nhận sự hiện diện của loài cóc răng cực kỳ nguy cấp Oreolalax sterlingae, đã được đưa vào danh mục sách đỏ thế giới năm 2017, qua các mẫu nòng nọc thu thập trên độ cao 2.300m. Đây là loài lưỡng cư trước đây chỉ ghi nhận khu vực độ cao 2.800 m ở đỉnh Fansipan.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có loài ếch bám đá đốm vàng Amolops splendissimus. Đây là loài từng được đánh giá là một trong những loài ếch đẹp nhất trong các loài lưỡng cư.

Cũng theo ông Ngô Kiên Trung, các loài lưỡng cư được phát hiện phân bố tại khu vực núi Pu Ta Leng, thuộc địa phận xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát) khu vực có độ cao từ 1.900 - 2.700m so với mực nước biển. Trong 11 loài lưỡng cư phát hiện có 5 loài thuộc họ cóc mày, 1 loài thuộc họ ếch nhái chính thức, 3 loài thuộc họ ếch nhái, 2 loài thuộc họ ếch cây.

Chương trình khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có sự phối hợp của Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai). Cùng với các loài động vật quý hiếm được phát hiện, công bố và dữ liệu khoa học thu nhập được đã mở ra cơ hội thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới, phát triển hợp tác quốc tế trong nghiên cứu bảo tồn các loài lưỡng cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top