Kết quả thử nghiệm ban đầu tại Mỹ cho thấy 21% trong 61 bệnh nhân u não còn sống sau ba năm nhờ tiêm virus bại liệt.
Cách đây bảy năm, Stephanie Hopper (Mỹ) phát hiện bị u nguyên bào thần kinh đệm, dạng ung thư não phổ biến nhất. Đối với cô gái khi ấy mới 20 tuổi, mọi cánh cửa như đóng sập. Trên thực tế, bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm thường không sống quá 20 tháng từ ngày chẩn đoán.
Bế tắc, tháng 5/2012, Stephanie chấp nhận trở thành người đầu tiên thử nghiệm điều trị ung thư bằng vũ khí chẳng ai ngờ đến: virus bại liệt. Giờ đây, ở tuổi 27, cô vẫn còn sống, đã hoàn thành đại học, trở thành y tá và kết hôn; không dấu hiệu nào cho thấy khối u có khả năng quay trở lại.
Virus bại liệt biến đổi gene được tiêm thẳng vào khối u để điều trị ung thư. (Ảnh: Duke Health).
Trên tờ The New England Journal of Medicine, nhóm nhà khoa học từ Đại học Duke điều trị cho Stephanie tiết lộ virus bại liệt có thể gắn vào protein trên bề mặt tế bào ung thư. Lợi dụng đặc tính này, họ triển khai phương pháp điều trị bằng cách tiêm thẳng virus bại liệt đã biến đổi gene không gây bệnh vào khối u não để chúng tấn công tế bào ung thư rồi kích hoạt hệ thống miễn dịch hoàn thành nhiệm vụ.
"Chúng tôi tin rằng điểm mấu chốt chính là phản ứng miễn dịch thứ cấp", bác sĩ Darell Bigner, giám đốc Trung tâm Ung thư não Preston Robert Tisch Đại học Duke giải thích.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ trên 61 bệnh nhân chứng minh tình trạng của Stephanie không hề ngẫu nhiên hay ăn may. Nhờ sử dụng virus bại liệt, 21% bệnh nhân u não còn sống sau ba năm điều trị. Nếu điều trị theo cách thông thường, tỷ lệ này chỉ đạt 4%.
"Tôi tin rằng đó là phương pháp điều trị tốt nhất", Stephanie nói về việc tiêm virus bại liệt. Hiện nay, cô sống vui vẻ mà không bị căn bệnh hành hạ. Triệu chứng duy nhất còn sót là động kinh song có thể kiểm soát bằng thuốc.
Vài tuần tới, Đại học Duke sẽ tiến hành thử nghiệm virus bại liệt cho bệnh nhân ung thư vú và ung thư da.
Post a Comment