Bốn năm sau biến cố khiến cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm và dàn lãnh đạo vướng vòng lao lý, tập đoàn Đại Dương vẫn ngập chìm trong sa sút chưa lối thoát.

Cổ đông quay lưng

ĐHĐCĐ thường niên 2018 của công ty CP Tập đoàn Đại Dương (HoSE: OGC) dự kiến diễn ra sáng 30/6/2018 nhưng đã bị hủy vì không đủ số lượng cổ đông tham dự.

Theo đó, số lượng cổ đông được mời là 7.295 cổ đông, đại diện cho gần 300 triệu cổ phần có quyền biểu quyết của công ty, song tới dự phiên họp chỉ có 20 cổ đông, đại diện cho 9,37 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương tỷ lệ 3,13%.

Tài chính - Ngân hàng - Tập đoàn Đại Dương vẫn “chìm nghỉm” sau đại án Hà Văn Thắm

Sai phạm từ thời kỳ cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm  vẫn để lại di chứng nặng nề cho tập đoàn Đại Dương sau 4 năm

Theo điều lệ công ty, ĐHĐCĐ thường niên chỉ được tiến hành khi số cổ đông tham dự đại diện cho tối thiểu 65% cổ phần có quyền biểu quyết. Vì vậy, phiên ĐHĐCĐ thường niên 2018 của OGC đã thất bại và phải hoãn tới phiên họp lần 2 dự kiến vào ngày 27/7 tới.

Trước đó, sáng ngày 23/01, ĐHĐCĐ bất thường của OGC cũng đã không thể tổ chức thành công do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Cụ thể, số cổ đông đến tham dự chỉ đại diện cho 12 triệu cổ phần OGC, tương đương 4,02% vốn điều lệ.

Căn cứ tài liệu họp ĐHĐCĐ 2018 do OGC công bố, năm 2017 tiếp tục là một năm kinh doanh sa sút của tập đoàn vì thiếu vốn, nhiều khoản nợ đến hạn phải trả, khó tiếp cận nguồn cấp tín dụng do thương hiệu tập đoàn sụt giảm từ sau biến cố của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm hồi cuối năm 2014.

Tổng doanh thu năm 2017 đạt 1.280 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2016 và vượt 6% so với kế hoạch, song do tổng chi phí tăng đột biến gần 500 tỷ đồng (lên tới 1.711 tỷ đồng), do đó lỗ sau thuế lên tới 471 tỷ đồng.

Nguyên nhân có khoản lỗ nói trên, theo OGC, là do công ty phải trích lập dự phòng trị giá 844 tỷ đồng, phát sinh từ các khoản công nợ, đầu tư từ năm 2014 đến nay.

Đáng lưu ý, lĩnh vực bất động sản vốn là mảng kinh doanh cốt lõi lại chỉ mang về 49 tỷ đồng trong tổng số 1.280 tỷ doanh thu cả năm. Ban giám đốc OGC nhận định, nguyên nhân là do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn cộng với sự sụt giảm hình ảnh thương hiệu của tập đoàn sau những sai phạm khiến cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt hồi cuối năm 2014.

Hàng loạt dự án bị ngưng trệ

“Trong kế hoạch phát triển tập đoàn giai đoạn 2015-2020, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh đầu tư phát triển hạ tầng, giải trí, sản xuất và du lịch dịch vụ thì OGC luôn xác định đầu tư bất động sản và dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng là lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn và kinh doanh chính có tính chiến lược của tập đoàn” – báo cáo trình ĐHCĐ của ban giám đốc tập đoàn Đại Dương nêu rõ.

Tuy nhiên trên thực tế, từ sau khi “thuyền trưởng” Hà Văn Thắm cùng dàn lãnh đạo vướng vòng lao lý, nhiều nhân sự bỏ đi, ngân hàng Đại Dương (OCB) bị ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng thì nhiều dự án của tập đoàn này đã rơi vào khó khăn, ngưng trệ.

Chính ban lãnh đạo OGC cũng đã phải thừa nhân, việc giảm sút thương hiệu làm bất lợi hơn cho công ty trong việc huy động vốn và tạo niềm tin từ các tổ chức tín dụng cũng như các đối tác, trong bối cảnh thị trường BĐS chưa thực sự thuận lợi. Nhiều dự án bị chậm trễ triển khai thực hiện do thiếu nguồn vốn chủ và vốn vay thương mại.

Cụ thể, các dự án Khu đô thị số 1 Bắc Giang, dự án Cột Đồng Hồ và cụm dự án tại tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện dang dở bị dừng vốn vay và giải ngân thương mại từ năm 2014 đến nay dẫn đến dự án bị tạm dừng và bị thu hồi trước thời hạn.

Điển hình là dự án Cột Đồng Hồ - Time Tower và 02 dự án tại Quảng Yên (Đông Triều – Quảng Ninh). Ngày 23/6/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 03 dự án của OGC làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời có các quyết định thu hồi đất tại dự án Time Tower để sử dụng cho mục đích công ích của thành phố.

Một số dự án hợp tác với nhiều bên chồng chéo, thiếu vốn để thi công trong khi OGC liên tục phải thực hiện việc nộp thuế, tiền thuê đất, sử dụng đất đã khiến doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn trong lúc đang gặp khó khăn về vốn.

Ngoài ra, các dự án xây lắp và do OGC làm chủ đầu tư bị gián đoạn do không bàn giao được như dự án Nam Đàn Plaza, Phương Đông, lý do là nhiều CBNV nghỉ, thôi việc, thuyên chuyển dẫn đến khó khăn trong hoàn công quyết toán công trình.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chịu áp lực vì một số khoản nợ quá hạn chưa thanh toán, các đối tác liên tục gây sức ép, khởi kiện thuê các công ty đòi nợ để thu hồi nợ.

Năm 2018 công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng dự kiến thoái vốn, thanh lý một số khoản mục đầu tư để cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động.

Cụ thể, dự án VNT Hạ Đình đã được OGC ký hợp đồng chuyển nhượng quyền hợp tác đầu tư cho đối tác là tập đoàn Vingroup để đối trừ công nợ. Thời gian dự kiến hoàn thành việc chuyển nhượng trong năm 2018.

Dự án “Trung tâm thiết kế thời trang - Thương mại dịch vụ - Cao ốc văn phòng”- Lega Fashion House (số 106 đường 3/2, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh), trên diện tích khu đất 5.620m2 hiện đã hoàn thành thi công cọc thí nghiệm nhưng OGC đang tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư hoặc thoái toàn bộ phần vốn góp của mình vào dự án cho đối tác.

Dự án Tổ hợp tài chính thương mại và Nhà ở dịch vụ Can Lộc có địa chỉ tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có diện tích 28.053m2 mật độ xây dựng 51,6%, tổng mức đầu tư ~ 387 tỷ đồng cùng do ảnh hưởng từ sự việc của tập đoàn năm 2014 mà dự án tạm dừng triển khai thực hiện, OGC đang tìm đối tác chuyển nhượng do việc thực hiện dự án tại thời điểm hiện nay không mang lại hiệu quả cho công ty.

Dấu ấn ông Hà Văn Thắm ở Ocean Group 

Ocean Group được ông Hà Văn Thắm thành lập vào tháng 5/2007, hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và kinh doanh khách sạn. Tập đoàn này nhanh chóng có những bước phát triển vượt bậc vào các năm sau đó, mà trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam ít có doanh nghiệp nào sánh kịp.

Chỉ 6 năm sau ngày thành lập, tổng tài sản hợp nhất của Ocean Group tới cuối năm 2013 đạt 11.424 tỷ đồng, gấp 7.000 lần thời điểm cuối năm 2007. Vốn điều lệ liên tục được tăng từ 1,2 tỷ đồng năm 2007 lên 390 tỷ đồng năm 2008, 1.968 tỷ đồng năm 2009, tiếp tục được bổ sung lên 2.500 tỷ đồng năm 2010 và cán mốc 3.000 tỷ đồng một năm sau đó.

Trong giai đoạn này, Ocean Group bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng thành lập các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, kinh doanh khách sạn hay bán lẻ với chuỗi siêu thị/trung tâm thương mại Ocean Mart.

Ngoài ra, Ocean Group còn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng sở hữu 20% vốn cổ phần trong ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank). Tháng 4/2010, OGC được niêm yết trên sở GDCK TP. Hồ Chí Minh với mức giá khởi điểm lên tới 30.000 đồng. Mã cổ phiếu này sau đó nhanh chóng trở thành một blue-chip và được săn đón bởi các nhà đầu tư.

Tuy nhiên việc phát triển quá nóng trong khi năng lực quản trị, điều hành không đáp ứng được, cùng các nguyên nhân khách quan đã sớm đẩy Ocean Group cùng ông Hà Văn Thắm vào bước đường khó khăn.

Sự kiện ông Hà Văn Thắm bị bắt và khởi tố bởi sai phạm trong quá trình quản lý Ocean Bank không chỉ đẩy vị lãnh đạo cao nhất của Ocean Group vướng vào vòng lao lý, mà còn khiến doanh nghiệp này mất trắng hơn 1.200 tỷ đồng đầu tư vào Ocean Bank sau khi ngân hàng Nhà nước mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng.

Ngoài ra, Ocean Group trong năm này cũng đã phải trích lập tới gần 1.200 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, tăng 100 lần so với năm 2013. Những diễn biến dồn dập này khiến Ocean Group lỗ tới 2.548 tỷ đồng trong năm 2014, đánh “quỵ” tập đoàn này.

Ông Hà Văn Thắm sau đó đã phải nhận án tù chung thân vì 4 tội danh: Cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Cho đến nay, những di chứng trong thời kỳ điều hành yếu kém của ông Hà Văn Thắm tại Ocean Group vẫn còn rất rõ ràng. Các khoản phải thu/ cho vay không kiểm soát khiến Ocean Group hàng năm vẫn phải bỏ ra nhiều trăm tỷ trích lập dự phòng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top