Với sự phát triển của công nghệ hàng không, việc bay qua Bắc cực và Nam cực không còn là chuyện khó. Nhưng tại sao các hãng hàng không mới chỉ thực hiện những chuyến bay này 3 lần? Câu trả lời đó là thời gian bay quá dài khiến hành khách mỏi mệt.
Trên thực tế, bay qua các đại dương hoặc bay tới Bắc và Nam cực xa xôi bằng các máy bay chở khách đường dài với những chặng dừng đỗ để tiếp nhiên liệu đã trở thành hiện thực từ giữa thập kỷ 1960. Nhưng hành khách sẽ không sẵn lòng tù chân mỏi gối trong không gian chật hẹp của máy bay để thực hiện những chuyến công du trên không 54 tiếng đồng hồ.
Đường bay của chuyến bay 50 của Pan Am năm 1977.
Năm 1977, Brian Baum. Lúc đó 18 tuổi, là một trong những người yêu thích hàng không và đã bỏ ra khoản tiền lớn 2.222 USD mua một vé trên chuyến bay 50 của hãng Pan Am (Mỹ). Chuyến bay của chiếc Boeing 747 khởi hành từ San Francisco (miền tây Mỹ), bay qua Bắc cực rồi đỗ xuống sân bay ở London (Anh). Sau khi tiếp liệu tại đây, hành khách tiếp tục cuộc hành trình tới Nam Phi, lại tiếp liệu và bay qua Nam cực, sau đó hạ cánh xuống New Zealand trước khi tiếp tục bay trở về San Francisco. Chuyến bay kéo dài tổng cộng 54 giờ, 7 phút và 12 giây với vận tốc bình quân kỷ lục là 748km/giờ.
Một máy bay của hãng Pan Am (Mỹ).
Trước đó đã có một số chuyến bay qua hai cực nhưng đây là chuyến bay đầu tiên mà một hành khách thông thường cũng đủ tiền mua vé.
Ông Baun nhớ lại, 120 hành khách chỉ được mang theo mỗi người một hành lí xách tay rất nhẹ cho một chuyến bay 2 ngày rưỡi. Nhiều người chỉ đủ mang theo thêm quần áo và tư trang cần thiết. Trên máy bay có máy sấy tóc nhưng nước trong nhà vệ sinh chỉ dành cho những nhu cầu tối thiểu.
Từ cửa sổ máy bay, hành khách được trải nghiệm hai lần máy bay quay vòng ở hai cực. Phi hành đoàn đếm ngược khi máy bay tiến đến tột đỉnh Trái đất. Và mọi người hào hứng reo hò khi máy bay bay qua cực Bắc, được ngắm cảnh hoàng hôn để rồi ngay sau đó lại thấy bình minh.
Trên máy bay, một ca sỹ vừa chơi guitar vừa hát những bài về hai cực Trái đất. Một dàn hoa hậu quốc tế khoe sắc, theo thị hiếu của thời 1977, mang theo máy ảnh chụp lấy ngay để selfie nếu hành khách muốn. Một buổi trình diễn mốt của hãng Gucci cũng được tổ chức trên khoang. Năm người mẫu thể hiện 25 mẫu quần áo khác nhau và sử dụng khoang trên của máy bay làm nơi thay đồ, các hành lang khoang dưới là sàn catwalk.
Quang cảnh Nam cực.
Tới Nam cực, hành khách bất ngờ và choáng ngợp trước một vùng băng giá bí ẩn, xa cách và mênh mông. Người ta có thể thấy cả núi lửa Mount Erebus đang phun trào và dù bay ở độ cao 13.100 mét vẫn thấy quang cảnh Nam cực như gần hơn rất nhiều vì tầm nhìn thoáng đãng và những vật thể khổng lồ bên dưới máy bay. Khi phi hành đoàn thông báo đang bay trên Nam cực, mọi người lại reo hò ăn mừng như thể đang đặt chân đến vùng cực này.
Bầu trời trong vắt, không có khí ô nhiễm, không khói bụi khiến cho cảnh hoàng hôn thêm rực rỡ. Ông Baun nhớ lại: “Chúng tôi đã ở đáy Trái đất và quanh đó hàng nghìn dặm không có một bóng người. Thật là một cảm giác thú vị!”.
Tiếp viên Siri Giberson trên chuyến bay Pan Am 50. (Ảnh: CNN).
Trước đó, chuyến bay từ cực này tới cực kia của Trái đất được thực hiện năm 1965 bằng một chiếc máy bay Boeing 707-349C được cải tiến, mang theo 40 nhà khoa học, khách mời và phi hành đoàn. Máy bay đã được cải tiến để lắp thêm hai thùng dầu phui trên khoang chính. Chuyến bay này kéo dài 60 giờ, 27 phút.
Năm 1968, chuyến bay của hãng Modern Air Transport (đã ngừng hoạt động từ 1975) với chiếc Convair 990 chở theo 78 hành khách và phi hành đoàn cũng đã bay qua hai cực. Máy bay này không lập được kỷ lục về tốc độ nhưng đã đáp xuống trạm McMurdo Station ở Nam cực để tiếp liệu nên đây là chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh ở cả bảy lục địa trong một lần bay.
Kỷ lục về tốc độ trung bình trong cả chuyến bay của chuyến bay 50 của Pan Am được giữ 31 năm, cho đến năm 2008, khi máy bay Bombardier Global Express (loại máy bay thương gia tầm xa do hãng Bombardier của Canada chế tạo) phá vỡ kỷ lục này nhờ có kế hoạch bay hoàn hảo và thời gian ngừng đỗ để tiếp liệu ngắn hơn.
41 năm sau chuyến bay 50 của Pan Am, người ta đang trù tính cho những chuyến bay qua hai cực Trái đất với thời gian ngắn hơn 50 giờ. Chuyến bay của The Polar Express dự kiến cất cánh vào tháng 26/10/2018 từ sân bay JFK ở New York với 150 hành khách. Chuyến bay sẽ tới Río Gallegos ở miền nam Argentina, sau đó bay qua Nam cực rồi tiếp tục hành trình tới Perth ở Australia. Từ đây máy bay sẽ tới Bắc Kinh. Và chặng bay cuối cùng sẽ qua Bắc cực rồi trở về sân bay JFK.
Dự kiến, chuyến bay này của Polar Express sẽ sử dụng máy bay Airbus A340-300, một dòng máy bay lớn, thân rộng, tầm bay xa có bốn động cơ. Vé cho chuyến bay này đang được bán với mức khởi điểm là 11.900 USD.
Ăn mừng khi bay qua Bắc cực.
Hành khách sẽ được phục vụ rượu cocktails được pha đặc biệt, được tham gia các lớp yoga và có một chuyên gia về Nam cực để giải thích những gì hành khách nhìn thấy qua cửa sổ.
Ông Baum cũng sẽ tham gia chuyến bay này như một nhà sử học, thu thập dữ liệu để hoàn thành chương cuối của cuốn sách ông đang viết “Qua hai cực: Những chuyến bay huyền thoại vòng quanh Thế giới”, sẽ xuất bản vào đầu năm 2019.
Tất nhiên, sẽ còn nhiều chuyến bay nữa qua hai cực Trái đất cho những ai có đủ thời gian và tiền bạc để chiêm ngưỡng những điều mới lạ.
Post a Comment