Trưởng ban Quản lý dự án nhiều tai tiếng - Nhiệt điện Thái Bình 2 - đột ngột đệ đơn lên PVN xin thôi việc.
Báo Pháp luật TP.HCM vừa đưa tin, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vừa gửi đơn xin nghỉ việc lên tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo đơn, ông Hưởng cho biết đây là năm thứ 25 công tác ở ngành, bản thân ông Hưởng tham gia nhiều dự án như dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Thái Bình 2…
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 - nơi có nhiều người bị khởi tố, bắt giam, trong đó có cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh.
Trong đó, đối với nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Hưởng được giao làm Trưởng ban Quản lý dự án vào tháng 3/2013. Dự án này có tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg, ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, dự án này đã gặp khó khăn với nhiều bất cập, sai sót ngay khi ông Hưởng tiếp nhận vị trí trưởng ban quản lý.
Hiện nay, dự án đói vốn, năng lực PVC ngày một suy giảm, tranh chấp với các nhà cung cấp thiết bị, công tác giải ngân và nhiều rủi ro bất khả kháng ập đến khiến dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm (tiến độ đã điều chỉnh) mà vẫn còn 17% tổng khối lượng công việc đang dang dở.
Trong đơn ông viết: dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã gặp khó khăn với nhiều bất cập, sai sót ngay khi bắt đầu, hiện nay dù gần đến đích nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Trong thời gian vừa qua, ông đã nhiều lần đề xuất nhóm các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy dự án. Tuy nhiên, các giải pháp với vai trò công ty mẹ của tập đoàn, nhóm giải pháp báo cáo Chính phủ, và đặc biệt là nhóm giải pháp của PVC vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ.
"Trong khi chưa có một hành lang đầy đủ và sự bảo đảm cho đội ngũ quản lý dự án khỏi những rủi ro pháp lý mà không phải do mình gây ra khi đối mặt với các hậu quả chậm tiến độ do những bất cập và sai phạm trước đây, mặc dù họ đã và đang nỗ lực chiến đấu bất chấp gian nan…" - Ông Hưởng nêu lý do không muốn tiếp tục vị trí Trưởng ban.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án trọng điểm quốc gia, được khởi công từ đầu năm 2011, dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy số 2 vào đầu năm 2015. Tuy nhiên trên thực tế, đến nay nó vẫn còn ngổn ngang vì chậm tiến độ, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và vướng nhiều lùm xùm, sai phạm liên quan đến đấu thầu, thu chi tài chính...
Do thiếu vốn, hoạt động cầm chừng, ngày 6/6/2018, PVC đã phải thông báo thoái vốn tại công ty con là công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (có trụ sở tại TP.Vũng Tàu, viết tắt là PVC-IC) để lấy số tiền tối thiểu 153 tỷ đồng.
“Toàn bộ số tiền thu được từ thoái vốn tại PVC-IC phải được sử dụng cho dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2” – nghị quyết của PVC do Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Thắng ký ngày 4/6/2018 nêu rõ.
Xét dưới góc độ pháp lý, như báo chí đã phản ánh, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được nhắc đến nhiều nhất trong vụ án “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), và các đồng phạm gây ra.
Chính cú sa bút của ông Đinh La Thăng khi phê duyệt giao Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC thời Trịnh Xuân Thanh thi công, kéo theo hàng loạt sai phạm tại dự án này đã khiến cặp bài trùng Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh vướng vòng lao lý.
Cụ thể, ông Đinh La Thăng đã chỉ định thầu, giao cho PVC là một đơn vị thành viên, khi PVC chưa đủ nhiều điều kiện đảm nhận và thời điểm năm 2011 tình hình tài chính của PVC đang vô cùng bết bát.
Ông Đinh La Thăng cũng chỉ đạo thuộc cấp ký hợp đồng sai nguyên tắc giữa PVN với PVC để triển khai dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sau đó tạm ứng sai nguyên tắc cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Khi nhận được khoản tạm ứng từ PVN để triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh đã trích hơn 1.100 tỷ đồng để chi dùng vào việc trả nợ và đầu tư khác, không liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thiệt hại do 2 bị can Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh gây ra đối với khoản tiền tạm ứng vi phạm trên ước tính khoảng 119 tỷ đồng (là tiền lãi ngân hàng tối thiểu đối với khoản đầu tư sai mục đích).
Ông Trịnh Xuân Thanh nhận hình phạt chung là tù chung thân về tội cố ý làm trái, tham ô tài sản ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Vũng Áng – Quảng Trạch và vụ PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza.
H.Y (tổng hợp)
Post a Comment