Khi phải trải qua nhiều ngày sống trong hang tối và có thể thiếu đồ ăn, nước uống, các thành viên của đội bóng Thái Lan sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn để cầm cự trước khi được giải cứu.
13 người gồm các thành viên trong đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên đã bị mắc kẹt trong hang Tham Luang dài gần 10km ở tỉnh Chiang Rai từ ngày 23/6. Mặc dù các đội cứu hộ đã vào cuộc ngay sau khi nhận được tin báo về vụ việc, song mưa lớn kéo dài đã dẫn tới tình trạng ngập lụt trong hang suốt nhiều ngày qua khiến công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Đồ họa thể hiện hướng di chuyển của lực lượng cứu hộ tìm kiếm đội bóng Thái Lan mất tích. (Ảnh: Bangkok Post).
10 ngày trôi qua kể từ khi đội bóng Thái Lan bị mất tích, lực lượng cứu hộ vẫn tích cực triển khai các phương án với hy vọng có thể kịp thời giải cứu những người mắc kẹt. Theo Anmar Mirza, nhà điều phối thuộc Ủy ban Giải cứu Hang động Quốc gia Mỹ, điều đầu tiên mà những người bị mắc kẹt trong hang cần làm là giữ cho bản thân không gặp bất kỳ mối nguy hiểm trước mắt nào. Đá lở có thể gây ra nguy hiểm, nhưng theo ông Mirza mối lo ngại lớn nhất là ngập lụt trong hang.
“Bạn cần tìm được điểm cao nhất trong hang”, ông Mirza nói. Lời khuyên của ông là những người bị mắc kẹt cần cố gắng phán đoán xem mực nước đã tăng lên bao nhiêu so với lần ngập trước đó.
“Có nhiều cách để xác định điểm ngập như nhìn vào bùn, lá cây hay vệt nước trên vách hang”, ông Mirza cho biết.
Tiếp đó, ông Mirza nói rằng những người mắc kẹt cần kiểm tra xem họ mang theo những nhu yếu phẩm gì trong người, từ đó tính toán xem nên sử dụng đồ ăn, nước uống hay thậm chí là đèn như thế nào cho phù hợp.
Giữ ấm cơ thể
Lực lượng cứu hộ phải sử dụng đèn để di chuyển trong hang tối ngập nước. (Ảnh: Bangkok Post).
Theo ông Mirza, nguy cơ nghiêm trọng đầu tiên đối với đội bóng bị mắc kẹt trong hang là hạ thân nhiệt.
“Cần vắt quần áo để giữ cho chúng luôn khô ráo. Ngoài ra, mọi người nên ngồi xích lại gần nhau để giữ ấm”, ông Mirza cho biết.
Trong khi đó, Andy Eavis, người từng lãnh đạo Hiệp hội Hang động Anh, nói rằng giảm thân nhiệt có lẽ không phải là vấn đề lớn trong hệ thống hang động của Thái Lan.
“Nhiệt độ xung quanh khá cao”, ông Eavis nói, ước tính từ 23-26 độ C.
Là người từng thám hiểm nhiều hang động trong suốt 50 năm qua, trong đó có những hang động ở Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc, ông Eavis cho biết nhiều hang động có diện tích rất lớn, thậm chí lớn tới mức mà du khách có thể thám hiểm bằng máy bay. Do vậy, ông Eavis không nghĩ rằng nước có thể ngập đến trần hang.
“Nếu họ giữ cho cơ thể không bị chạm nước, họ sẽ không thiệt mạng vì hạ thân nhiệt”, ông Eavis nói.
Eavis nói rằng ông từng bị mắc kẹt trong một hang động ở Pyrenees cùng với hai người khác và nhiệt độ ở đó chỉ khoảng 2 độ C. “Chúng tôi đã ở đó suốt 55 giờ đồng hồ. May mắn là chúng tôi có mặc đồ lặn”, ông Eavis kể lại.
Nước uống
Theo ông Mirza, mối quan tâm tiếp theo đối với những người mắc kẹt trong hang là nước uống. “Cần giữ cho cơ thể của bạn không bị mất nước, nhưng hãy cảnh giác với nước bẩn trong hang động. Đó là cơ chế cân bằng, việc bị tiêu chảy hay nôn mửa sẽ khiến vấn đề mất nước trở nên nghiêm trọng hơn”, ông Mirza cho biết.
Tuy nhiên theo nhận định của chuyên gia Eavis, ngay cả khi nước bẩn, điều đó cũng không gây ra vấn đề nguy hiểm ngay lập tức. “Hầu hết nước trong hang động đều có thể uống được. Tuy vậy, nó có thể gây đau bụng”, ông Eavis nói.
Bill Whitehouse, cựu Chủ tịch Hội đồng Cứu hộ Hang động Anh, khuyên những người mắc kẹt nên tìm kiếm nước xung quanh hang động. “Những giọt nước nhỏ trong hang có thể là nước sạch. Nhưng về lâu dài, đồ ăn mới là vấn đề”, ông Whitehouse nhận định.
Ông Mirza đồng tình với quan điểm này. “Nếu bạn có đồ ăn, hãy chắc chắn rằng bạn không ăn hết chúng một lúc”, ông Mirza nói.
Không khí
Đội cứu hộ thả "hộp sinh tồn" gồm đồ ăn, điện thoại, nước uống, đèn,... vào trong hang với hy vọng có thể đến được tay đội bóng bị mắc kẹt. (Ảnh: The Nation).
Khí ô xy cũng là vấn đề đặt ra đối với những người mắc kẹt. Tuy vậy cả 3 chuyên gia Mirza, Whitehouse và Eavis đều cho rằng đây không phải là mối lo ngại quá lớn như mọi người vẫn nghĩ.
“Hầu hết hang động đều có ô xy tự nhiên. Không khí có thể đi vào và đi ra ở những nơi mà con người không thể”, ông Mirza cho biết.
Nếu nhiều người mắc kẹt trong một không gian nhỏ trong hang quá lâu, lượng khí CO2 có thể tăng lên. Tuy nhiên trong phần lớn trường hợp, các các chuyên gia cứu hộ cho rằng việc thiếu không khí không phải là vấn đề quá lớn.
“Nhìn chung, việc các hang động có mức ô xy hơi thấp không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng nó không thấp tới mức nghiêm trọng. Điều này còn phụ thuộc vào hang đó như thế nào”, ông Whitehouse cho biết thêm.
Căng thẳng tinh thần
Những người mắc kẹt có thể có trong tay tất cả những thứ giúp họ tồn tại, nhưng việc giữ bình tĩnh trong bóng tối là chuyện không đơn giản.
“Dưới lòng đất hoặc là một nơi bạn cảm thấy hạnh phúc, hoặc là không”, ông Whitehouse nói.
“Đừng hoảng sợ. Hoảng sợ và tìm mọi cách để thoát ra ngoài có lẽ mối lo ngại lớn nhất”, ông Eavis nhận định.
Đối với các thành viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan, sức ép sẽ đặt lên vai của người quản lý, để ngăn không cho các cậu bé lặn xuống nước. “Người dẫn đầu phải kiểm soát để ngăn không cho các cậu bé làm bất kỳ điều gì dại dột, chẳng hạn lặn xuống nước. Tâm lý con người thường bị đè nặng trong bóng tối”, ông Eavis nói thêm.
Theo chuyên gia Mirza, “những nhà thám hiểm hang động nhiều kinh nghiệm sẽ mang theo các đèn LED hiện đại và pin lithium để có thể duy trì ánh sáng trong hàng trăm giờ”. Tuy nhiên đối với trường hợp đội bóng Thái Lan, đây có thể là vấn đề khó khăn với họ.
“Đây không phải là trường hợp của những nhà thám hiểm chuyên nghiệp. Do vậy họ có thể không được trang bị đầy đủ”, chuyên gia Whitehouse phỏng đoán.
Post a Comment