Trong khi nhiều nhà bán lẻ ngoại đang ồ ạt đổ tiền vào thị trường Việt Nam, thì nhiều doanh nghiệp khác đang gặp khó trong việc mở rộng chuỗi, thậm chí nếm trái đắng.
Thị trường màu mỡ
Tờ Zing có bài viết nhận định, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của ngành bán lẻ. Với quy mô 110 tỷ USD (2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Theo bộ Công Thương, giai đoạn 2011-2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2017 (tăng 10,08%). Trong 4 tháng đầu năm nay, mức bán lẻ ước hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017.
Việt Nam là một thị trường bán lẻ hấp dẫn
Kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây đã chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là “miếng mồi” béo bở đối với các nhà đầu tư. Trên thực tế, đã có rất nhiều “ông lớn” nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.
(Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp).
Sự đua tranh của các “ông lớn”
Theo Zing, doanh nghiệp ngoại mới nhất tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam là GS Retail đến từ Hàn Quốc. Doanh nghiệp này mở cửa hàng đầu tiên của chuỗi GS25 tại TP.HCM đầu năm 2018 và hiện đã có 10 cửa hàng. Dự định của GS Retail là sẽ mở 50 cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam trong năm 2018 và đạt 2.500 cửa hàng trong 10 năm tới.
Seven & i Holdings của Nhật Bản cũng dự tính mở 1.000 cửa hàng 7-Eleven ở Việt Nam vào năm 2027. Chuỗi B’s Mart của Thái Lan cũng mở tới 3.000 cửa hàng còn Aeon sẽ mở 500 hàng tạp hóa...
Thương hiệu Lotte Mart của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt, với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới.
Đáng chú ý, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, khởi đầu cho sự gia nhập thị trường bằng chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tờ Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin thêm, đồng thời nhận định, doanh nghiệp nội đang có vẻ lép vế trên sân nhà.
Trong nước, đáng kể nhất là chuỗi VinMart+ của Vingroup. Hiện hãng này cũng muốn tăng lên 4.000 cửa hàng vào năm 2020.
Tiếp sau đó, "ông lớn" Thế Giới Di Động chi 3.000 tỷ đồng để đặt mục tiêu 500 cửa hàng Bách Hóa Xanh ngay trong năm 2018.
SatraFoofs có 300 cửa hàng đến năm 2020 còn CoopFood sẽ đạt gần 400 cửa hàng tiện lợi đến cuối năm nay...
Song không dễ dàng cán đích
Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc một số doanh nghiệp âm thầm đóng cửa hàng đã mở, thị trường Việt hấp dẫn thật nhưng không “dễ ăn”. Tờ Zing nhận định.
Thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt
Thị trường bán lẻ cũng đang chứng kiến những bước lùi của nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Chuỗi Bách hóa Xanh của Thế giới Di động sau 3 năm ra mắt với những kế hoạch táo bạo, vừa giảm mục tiêu mở 1.000 cửa hàng trong năm nay xuống còn 500. Ông chủ Thế giới Di Động – doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam thừa nhận sai lầm do mở rộng quy mô quá nhanh trong khi chưa thực sự am hiểu địa phương.
Với mục tiêu 1.000 cửa hàng tiện lợi vào năm 2027, nghĩa là 7-Eleven trung bình mỗi năm phải mở 100 cửa hàng, nhưng tháng 6 này, sau một năm vào Việt Nam chỉ mới dừng ở 18 cửa hàng, mục tiêu 100 cửa hàng mỗi năm của 7-Eleven có vẻ đang gặp khó.
Là một “ông lớn” trong ngành bán lẻ của Nhật Bản, Family Mart từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2017, hãng này đã phải “suy nghĩ lại” về thị trường Việt Nam. Lãnh đạo Family Mart đã tuyên bố "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư" và “việc kinh doanh đang gặp thua lỗ”.
Năm 2006, chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 Mart của Trung Nguyên ra đời và công bố có 500 cửa hàng, nhắm tới con số 9.500 cửa hàng trên toàn quốc. G7 Mart có mặt ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên chỉ nhộn nhịp thời gian đầu, chuỗi này nhanh chóng đìu hiu.
Đến năm 2011, Trung Nguyên quyết định đưa mô hình Ministop, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản về Việt Nam theo hình thức nhượng quyền, và mục tiêu là mở 500 cửa hàng trong 5 năm. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh bết bát khiến Ministop chia tay Trung Nguyên, tìm đến đối tác mới.
Chuyển sang hợp tác với Sojitz, Ministop và đối tác này đặt mục tiêu 800 cửa hàng trong năm 2018 nhưng hiện mới có 115 cửa hàng.
Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) mới đây cho biết đã đóng gần 60 cửa hàng trong 100 chuỗi cửa hàng tiện lợi mà đơn vị này có. Nguyên nhân chủ yếu là các cửa hàng này hoạt động không hiệu quả, lượng khách mua không nhiều. Mặt khác, mặt bằng để kinh doanh khó khăn, giá thuê cao nên công ty buộc phải ngưng và rời bỏ.
Doanh nghiệp này ban đầu cũng tham vọng tận dụng thế mạnh của mình, để xây dựng chuỗi hàng trăm cửa hàng tiện lợi chuyên thực phẩm.
Thị trường trông đợi sự khác biệt
Phân tích về sự thất bại này, Zing dẫn lời chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng cửa hàng tiện lợi đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trong và ngoài ngành. Ông dùng từ “lơ lửng” để nói về các cửa hàng tiện lợi, khi nó nằm ở phân khúc giữa siêu thị và các cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển
Theo ông Hiển, trên thị trường đang phổ biến là siêu thị và các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Các siêu thị, đại siêu thị có lợi thế là mặt hàng nhiều, giá rẻ, là trung tâm mua sắm - giải trí, có nhiều lựa chọn cho khách hàng…
Cửa hàng tạp hóa truyền thống lại có lợi thế nhỏ gọn, mặt hàng tiêu dùng đủ đáp ứng nhu cầu, tiện lợi, gần nhà. Hơn nữa, chủ cửa hàng tạp hóa thường dùng chính căn nhà của mình để bán hàng, nên không phải chịu áp lực thuê nhà, dễ dàng duy trì được cửa hàng.
“Cửa hàng tạp hóa truyền thống có khi rộng chỉ vài mét vuông nhưng họ có đủ mặt hàng. Chủ hàng có thể quen từng mặt hàng, khách đi qua cần gì là họ có thể lấy ra ngay rất tiện lợi, nhanh chóng”, ông Hiển nói.
Như vậy, cửa hàng tiện lợi nằm “lơ lửng” giữa phân khúc này. Ngoài ra, cửa hàng tiện lợi cũng phải cần thời gian để người Việt thay đổi thói quen tiêu dùng. Ông Hiển cho rằng đó không phải chuyện ngày một ngày hai mà cần nhiều thời gian.
“Các cửa hàng tiện lợi ở nước ngoài sở dĩ phát triển được là họ thay được lực lượng cửa hàng tạp hóa truyền thống ở Việt Nam hiện nay. Muốn cửa hàng tiện lợi thay được như vậy cần phải có thời gian rất dài”, ông Hiển nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cửa hàng tiện lợi phải “chiến đấu” với nhiều thách thức như giá cả, chất lượng sản phẩm, lại phải vừa tiện lợi theo đúng nghĩa. Ông nhấn mạnh đến bài toán thuê mặt bằng, nhất là việc chen chân vào các khu vực đô thị đông đúc, chi phí mặt bằng lớn, nhưng hiệu quả đem lại chưa chắc đã đủ.
Ông Hiển cho rằng, vốn mạnh chưa giải quyết được tất cả vấn đề của cửa hàng tiện lợi, quan trọng là mô hình kinh doanh đúng sẽ giúp cửa hàng tiện lợi thành công hơn là vung tiền để giành thị phần.
“Chất lượng, giá cả, vị trí tiện lợi phải luôn được chú ý. Tuy nhiên, cũng cần phải có nét gì đó khác biệt mới mong thành công” – ông Long lại nhấn mạnh rằng các cửa hàng tiện lợi mở ồ ạt nhưng na ná nhau thì khó trụ vững.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ, một trong những nguyên nhân khiến Parkson gặp khó khăn tại Việt Nam là các trung tâm thương mại mới ra đời rất nhiều, họ có sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, về thái độ phục vụ, quan trọng là có thể đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp, nhưng Parkson vẫn “cố thủ” với mô hình kinh doanh cũ, chỉ hướng tới những khách hàng cao cấp.
H.Y (tổng hợp)
Post a Comment