Ngày 29/8, các nhà khoa học Brazil đã bắt đầu tiến hành đợt một thả ra môi trường hàng triệu con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia có tác dụng ngăn ngừa muỗi truyền virus sốt xuất huyết sang người.
Chủ nhiệm dự án chuyên gia Luciano Moreiro đến từ Viện Nghiên cứu Fiocruz ở thành phố Rio De Janeiro cho biết sau khi được thả ra môi trường, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachi sẽ sinh sản và lây truyền vi khuẩn Wolbachi có tác dụng phong tỏa hoặc làm giảm khả năng truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết, virus Zika và chikungunya.
Dự án này do các nhà khoa học Australia phát triển và đã được các nhà khoa học Brazil tiến hành công tác chuẩn bị từ năm ngoái.
Các nhà khoa học Australia đã tiêm vi khuẩn Wolbachi vào muỗi vằn.
Theo kế hoạch, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Fiocruz sẽ thả 1,6 triệu con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia/tuần và sau đó tăng lên 3 triệu con/tuần.
Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng.
Wolbachia được tìm thấy tự nhiên ở khoảng hơn 60% các loài côn trùng sống xung quanh con người, bao gồm cả những loài muỗi thường hay đốt người.
Tuy nhiên, nó lại không tồn tại trong muỗi vằn - "thủ phạm" chính truyền bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết gây ra sốt, phát ban, nôn mửa và thậm chí có thể biến chứng nguy hiểm gây tử vong nếu bệnh nhân không được hỗ trợ y tế kịp thời.
Trong khi đó, virus Zika được cho là nguyên nhân gây ra dị tật nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh.
Post a Comment