Sau khi lây nhiễm và giết chết bọ cánh cứng, nấm điều khiển xác bọ dang cánh trên hoa để dụ dỗ vật chủ khác.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Invertebrate Pathology, Donald Steinkraus, giáo sư khoa sâu bọ học tại Đại học Arkansas, Mỹ, cho biết loại nấm Eryniopsis lampyridarum có khả năng điều khiển bọ cánh cứng ngay cả khi con vật đã chết, Livescience ngày 15/6 đưa tin.
Giáo sư Steinkraus lần đầu tiên phát hiện mối quan hệ ký sinh chết chóc này tại một trang trại nghiên cứu ở Fayetteville, Arkansas. Hàng trăm bọ cánh cứng bản địa ở Bắc Mỹ có tên khoa học Chauliognathus pensylvanicus tụ tập ăn phấn hoa và giao phối trên cánh đồng mà không hề biết nhiều đồng loại của chúng đã bị biến thành "xác sống".
Xác bọ cánh cứng treo trên bông hoa để tăng cơ hội phát tán bào tử nấm. (Ảnh: Giáo sư Steinkraus).
"Trên các bông hoa, tôi nhận thấy nhiều bọ cánh cứng đã chết, với hàm răng cắn chặt treo lủng lẳng trên bông hoa", Steinkraus nói. "Cánh của chúng mở rộng và thân phồng to bởi nấm gây bệnh".
Những con vật này đã bị nhiễm bào tử nấm trong tự nhiên. Nấm nhanh chóng lây lan trên cơ thể bọ cánh cứng trước khi biến chúng thành xác sống để tiếp tục truyền nhiễm. Sau khoảng hai tuần xâm nhập cơ thể bọ, nấm điều khiển vật chủ trèo lên cây, cắn vào hoa trước khi bỏ mạng.
Thu thập 500 mẫu bọ cánh cứng còn sống và đã chết để nghiên cứu, Steinkraus phát hiện bào tử nấm dính trên cơ thể bọ khi phát triển sẽ xuyên qua lớp vỏ của bọ rồi mọc từ bên trong. Steinkraus cho rằng, có khả năng nấm sử dụng các tín hiệu hóa học để điều khiển vật chủ.
Xác bọ cánh cứng treo trên hoa cả ngày, sau đó nấm bắt đầu điều khiển bọ cánh cứng mở rộng đôi cánh. "Đôi cánh trên xác bọ mở ra như lúc con vật đang bay. Việc này làm lộ các bào tử nấm và có thể nhằm thu hút những con bọ khỏe mạnh khác", Steinkraus giải thích.
Những con bọ cánh cứng khỏe mạnh nhầm tưởng con bọ đang dang cánh này là bạn tình liền sà xuống để giao phối và ngay lập tức nhiễm bào tử nấm, để rồi biến thành "xác sống" mới và tiếp tục lây truyền loại nấm ký sinh tử thần này.
Bọ cánh cứng không có giải pháp để tự vệ trước loài nấm ký sinh, khiến 20% loài này chết mỗi năm vì nhiễm nấm.
Post a Comment