Ông Trần Quân Ngọc - tác giả của nhiều tập sách viết về chủ tịch Hồ Chí Minh như: Theo bước chân Người, Thư riêng Bác Hồ, Bác Hồ với bạn bè quốc tế... là một trong rất ít người đã có nhiều dịp gặp mặt, thậm chí vinh dự được phục vụ Người. Gần nửa đời người, ông dành nhiều thời gian thu thập, nghiên cứu và tìm hiểu tư liệu về Bác. Tuổi đã gần bát thập cổ lai hy nhưng với ông, những kỷ niệm về Bác vẫn như mới ngày hôm qua, rưng rưng xúc động gợi về qua từng câu chuyện.

Tác giả Theo bước chân Người

Ấn tượng khắc ghi về Bác Hồ

Tôi may mắn được gặp ông Trần Quân Ngọc trong dịp ông ra thăm họ hàng ngoài Hà Nội. Biết mình được diện kiến tác giả của nhiều tập sách viết về Bác, tôi xin phép ông bớt chút thời gian để trao đổi câu chuyện và được ông đồng ý.

Khi được hỏi ấn tượng về Bác, ông chậm rãi chia sẻ: “Ký ức về lần gặp Bác đầu tiên đã rất lâu rồi, khi tôi còn là một chú bé bảy tám tuổi, nhưng khi nhớ lại không khỏi bồi hồi. Hồi đó toàn dân gọi Người là “Cụ”, chưa gọi là “Bác” như hiện nay. Cụ mặc bộ quần áo kaki màu vàng nhạt, chân đi đôi dép cao su “con hổ” màu trắng. Tôi còn nhớ như in, râu tóc của Người lúc đó còn đen, vầng trán cao và đôi mắt sâu, sáng ngời.

Có lần tôi theo anh trai đi xem trận bóng đá ở sân vận động Hàng Đẫy. Một chuyện mà tôi nhớ nhất là lúc trước trận đấu, loa phóng thanh truyền rất to: “Kính mời Cụ Chủ tịch bước ra sân vận động sút cú bóng danh dự”, và Cụ tiến vào giữa sân, sút một cú rất mạnh. Cho tới nay tôi vẫn còn nhớ cái dáng đi rất nhanh nhẹ của Cụ, cái dáng phát bóng rất thẳng, đường bóng như một cầu thủ nhà nghề...”.

Nhớ lại quá khứ ông kể cho tôi nghe câu chuyện về mùa xuân năm 1960 khi ông được tham gia lễ mít tinh nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng. “Trong buổi liên hoan tại vườn Bách Thảo Hà Nội, Bác xuất hiện và bước lên sân khấu. Lúc đó giàn nhạc giao hưởng đang chuẩn bị trình diễn, tôi còn nhớ người chỉ huy dàn nhạc hôm đó là nhạc sỹ Nguyễn Hữu Hiếu.

Bác tiến tới chỗ ông và mượn chiếc đũa chỉ huy và nói: “Bây giờ chúng ta chơi bài hát Kết đoàn chúng ta là sức mạnh, các chú sẵn sàng chứ”. Và Người giơ cao chiếc đũa chỉ huy. Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (người sau này được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật) đã chớp được khoảnh khắc tuyệt diệu đó... ”, kể tới đây ông cười hạnh phúc, với ông tất cả những giây phút được ở bên Bác đều thật thiêng liêng.

Tiếp dòng ký ức, ông Ngọc hào hứng kể về những lần phục vụ bên Bác, giúp Bác thông dịch cho các đoàn quốc tế tới thăm Việt Nam.

Tự hào được ghi chép những câu chuyện về Bác

Khi được hỏi về quá trình thu thập những tài liệu về Bác, ông Ngọc tâm sự: “Không chỉ riêng tôi mà với mọi người dân Việt Nam - Bác Hồ là một nhân vật rất đặc biệt, một người Anh hùng dân tộc, một nhà văn hoá lớn.

Một nhà thơ lớn nước Nga ông Pavel Antôkôlxki (dịch giả tập thơ Nhật ký trong tù ra tiếng Nga) nói: “Nếu nhà viết tiểu thuyết đương đại muốn miêu tả thế kỷ 20 đầy sóng gió, biến động, mà rất đẹp của chúng ta và mong tìm thấy trong thế kỷ đó một nhân vật chính diện – một hiệp sỹ đích thực mà ngay từ buổi thiếu niên đã dấn thân vào cuộc đấu tranh chống điều ác và phi chân lý của thế giới, thì ở mức độ nhất định, nhà tiểu thuyết đó có thể tìm thấy trong cuộc đời Hồ Chí Minh những tư liệu đắt giá và quý hiếm để dùng vào việc xây dựng nhân vật của mình”.

Những cuốn sách đã xuất bản của ông viết về Bác Hồ

Cho tới thời điểm này, ông Trần Quân Ngọc đã cho ra đời 7 tập sách viết về Bác Hồ, trong đó có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần như: Theo bước chân Người, Bác Hồ với bạn bè quốc tế... ở mỗi tập sách đều cho chúng ta thấy về một vị lãnh tụ rất đỗi gần gũi, thân thương, bình dị mà vĩ đại. Sách viết về Bác rất nhiều, nhưng với ông Ngọc, mỗi cuốn sách của ông đi theo một cách riêng. Ông nhấn mạnh cho tôi nghe về một câu châm ngôn của người Pháp “Anh hãy nói cho tôi nghe về bạn bè của anh, thì tôi sẽ nói cho anh nghe, anh là người như thế nào”. Do có điều kiện trong những chuyến đi công tác nước ngoài, tới các thư viện, bảo tàng thu thập những cuốn sách viết về Bác, gặp những người bạn của Bác, nghe họ kể lại những câu chuyện về Người ở một góc nhìn khác, chân thực và khách quan. ông đã tập hợp viết nên những cuốn sách của mình.

Nhớ lại những ngày tìm tư liệu về Bác, tác giả Theo bước chân Người cho biết, quá trình vào thư viện đọc sách, ông sưu tầm được hơn 100 bức thư mà Bác gửi cho các bạn bè của mình ở trong và ngoài nước. Ông chép được đầy đủ nguyên văn và tìm hiểu xem nguồn gốc lá thư được gửi đi trong hoàn cảnh nào và đưa vào cuốn Thư riêng Bác Hồ. Đây là những tài liệu hết sức quý giá bởi thư từ như một di sản rất quan trọng khi nghiên cứu một con người. “Bác Hồ có rất nhiều cái độc đáo mà trong quá trình tìm hiểu về Người, tôi càng thấy trân trọng hơn phẩm chất một vị cha già kính yêu của những người con Việt Nam.

Khá nhiều thông tin thú vị mà khi được biết tôi không khỏi khâm phục như: Bác Hồ là một trong những người Việt Nam đầu tiên học quốc tế ngữ, người Việt Nam đầu tiên ra nhập tổ chức hướng đạo sinh quốc tế (Anh) khi mới thành lập, Người có rất nhiều tài năng nghệ thuật như viết thơ, văn, kịch, phê bình văn học, điện ảnh, vẽ, nặn tượng... Nhiều bức tranh biếm hoạ của Bác đăng trên báo Người cùng khổ (Pháp), mà sau này các hoạ sỹ Việt Nam xác nhận đây là những bức tranh biếm hoạ đầu tiên của nước ta. Bác còn sáng tác âm nhạc, biết chơi guitar... Là vị lãnh tụ rất nghiêm túc, nhưng Bác lại rất giản dị”, ông Nguyễn Quân Ngọc xúc động cho biết.

Bốn mươi bảy năm kể từ ngày Bác đi xa, thật vinh dự và tự hào khi các thế hệ trẻ hôm nay vẫn được nghe lại nhiều câu chuyện không bao giờ cũ. Những năm tháng bên Bác, được Bác chỉ bảo trong công việc luôn là những kỷ niệm đẹp với người ghi chép hành trình Theo dấu chân Người. Đó là những kho tư liệu thực sự quý báu để mỗi thế hệ trẻ hôm nay cần biết, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Ông Trần Quân Ngọc nguyên quán tại Hà Nội, nhưng sau này ông chuyển vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Thời trẻ, ông tham gia học đại học và sau đại học ngành hoá dầu tại Liên Xô cũ, sau đó về công tác tại Văn phòng Chính phủ. Hiện ông đang làm Phó Chủ tịch hội Quốc tế ngữ Esperanto Việt Nam, Phó Chủ tịch Phong trào Quốc tế ngữ châu Á. Những năm khi còn là du học sinh tại Liên Xô, và sau khi về nước, ông vinh dự được giúp Bác phiên dịch cho các đoàn khách quốc tế. Với tác giả Theo bước chân Người, những năm tháng đó đều là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên.

Phương Anh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top