Khi cột điện đổ hàng loạt sau bão tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, bên cạnh đó là sự nghi ngờ về chất lượng thì các nhà máy đã lên tiếng phủ nhận và khẳng định nếu làm không đúng tiêu chuẩn, thiết kế và đảm bảo chất lượng làm mất đi thương hiệu trong thời buổi cạnh tranh là tự phá sản. Trong khi đó, các nhà máy, công ty được đầu tư với quy mô hàng trăm tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở miền Bắc, Công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn ở Hà Nam là một trong những công ty đầu tiên làm về dự ứng lực, sau đó có Công ty bê tông Hà Nam. Đến bây giờ đã có nhiều công ty khác cũng đang áp dụng công nghệ dự ứng lực này như Công ty cổ phần sản xuất và xây dựng Trường Phát ở Hưng Yên, Công ty Cổ phần Trường Trường Lộc ở Điện Biên…

Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần sản xuất và xây dựng Trường Phát.

Theo ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Trường Lộc Điện Biên, ưu điểm về cột điện dự ứng lực thứ nhất mác bê tông cao hơn, chịu lực ở đầu cột lớn hơn, vận chuyển cột ít bị hỏng, nứt nẻ. Dù là địa bàn đồi núi, thế nhưng cột điện dự ứng lực vẫn tốt, các nhà thầu phản hồi về không có vấn đề gì trong khi sử dụng. Cột nào đã đưa vào sử dụng là đều đạt chất lượng, các nhà thầu không trả lại cột hay phản ánh.

“Ưu điểm của cột điện dự ứng lực nó vượt trội hơn so với ưu điểm của cột điện thông thường. Thép sử dụng trong cột điện dự ứng lực sử dụng thép nhập hàm lượng cacbon cao hơn. Ở cột điện thông thường khi lực tác dụng vào thì tác dụng bê tông trước, sau đó mới tác dụng vào thép. Còn cột điện dự ứng lực này thì lực tác dụng vào đồng thời luôn cả bê tông và thép đều đồng thời chịu lực luôn, vì thép được gia lực trước đã sẵn sàng chịu lực. Tải trọng lực ở cột điện dự ứng lực cao hơn cột thông thường. Bên cạnh đó, chất lượng, thiết kế cột đều được kiểm tra định kỳ, mác bê tông đều đạt trên 500. Trong quá trình làm đều được kiểm soát, khi nhìn vào lỗ bên trong thấy bê tông đều bên trong là đạt chất lượng”, ông Hùng cho biết.

Sự ra đời công nghệ mới trong sản xuất cột điện bê tông dự ứng lực đã khiến các nhà máy sản xuất cột điện thông thường khác “tự chết” bởi không thể sản xuất và theo kịp những công nghệ hiện đại có những ưu điểm vượt trội.

Một góc nhà máy Công ty cổ phần Trường Lộc ở Điện Biên.

Bên cạnh đó, ông Giáp Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và xây dựng Trường Phát có trụ sở tại Hưng Yên cho biết, khi sản xuất cột điện dự ứng lực theo công nghệ mới thì các thông số phải tiêu chuẩn và chất lượng phải đảm bảo.

“Cường độ về giới hạn chảy, giới hạn bền đều gấp 3 lần so với thép thông thường. Khi sản xuất, tất cả các quy định phải đều được đảm bảo, thép được kéo căng lực để có luôn xu hướng thu vào. Bê tông được kiểm soát rất chặt chẽ, các nhà máy đều được thử nghiệm bằng các khối bê tông, tỉ lệ rất chặt chẽ, mác 500 trở lên”, ông Dũng cho hay.

Do bê tông được ứng suất trước nên sản phẩm bê tông ly tâm dự ứng lực sẽ không bị biến dạng, bị nứt trong quá trình vận chuyển, lắp dựng và sử dụng. Bê tông được ứng suất trước, kết hợp với quay ly tâm đã làm cho bê tông của sản phẩm đặc, chắc, chịu được trọng tải cao, không nứt, khả năng chống thấm, cống ăn mòn cốt thép, ăn mòn sulphate. Vì vậy, sản phẩm bê tông ly tâm dự ứng lực sử dụng phù hợp với các vùng biển, nước mặn.

Ngoài ra, khả năng thiết kế những trụ điện có lực đầu trụ rất cao, khi kép đến tải trọng thiết kế có biến dạng dư rất thấp, có khả năng chịu lực nén, uốn, lực tải dọc rất cao. Bên cạnh đó, chất lượng tốt, giá thành giảm hơn so với bê tông thông thường.

Mặc dù mới đưa công nghệ vào sản xuất được một thời gian khiến người dân còn bỡ ngỡ, thế nhưng nó đã chứng minh ưu điểm vượt trội của mình. Không chỉ đồng bằng mà ngay cả miền núi, công nghệ sản xuất bê tông dự ứng lực cũng đang được sử dụng phổ biến. Việc áp dụng công nghệ mới này không chỉ là đưa công nghệ hóa hiện đại hóa vào sản xuất mà còn hợp xu hướng thế giới.

PV

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top